Là một người mẹ, mong muốn của Mẹ 3A là con được học trong một ngôi trường tốt, có đủ điều kiện để phát triển cả trí não, tâm lý và thể chất. Và mẹ 3A – người mẹ của ba em bé – đã chọn Montessori để con theo học. Cuốn sách này là cảm nhận và phân tích dựa trên sự quan sát và trải nghiệm của một người mẹ, không phải dưới góc nhìn của nhà giáo dục, nhưng thực tế và hữu ích cho những bậc phụ huynh đang băn khoăn chọn phương pháp giáo dục cho con mình.
Mẹ 3A tên thật là Nguyễn Hoàng Kim Thảo. Sinh ra trong thời kỳ giao thoa thế hệ cũ và mới những năm 1980, chị tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu khí, là thạc sĩ kinh tế tài chính và là nhà sáng lập dự án Mee And More đem lại trải nghiệm khoa học thực tiễn cho học sinh. Chị có niềm đam mê tìm hiểu nhiều phương pháp giáo dục và cách mạng giáo dục trên thế giới. Hiện chị đang có ba con theo học phương pháp Montessori tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách này không nêu ra các lý thuyết về phương pháp giáo dục Montessori, mà là những tâm sự của một người mẹ có ba con theo học phương pháp này. Trong cuốn sách, tác giả nêu ra những nhận định sắc sảo về cách sự tự do và khác biệt của trẻ được nhìn nhận và thể hiện trong thực tế lớp học, dựa trên hành trình hơn 5 năm các con chị trưởng thành trong môi trường giáo dục Montessori. Chị có những nhận định khách quan, thậm chí là nêu rõ hơn về những điểm còn hạn chế của phương pháp này cùng một số cách khắc phục. Hi vọng, sau khi đọc hết chương cuối cùng của sách, các bậc phụ huynh sẽ có thêm kinh nghiệm để tìm phương pháp giáo dục phù hợp nhất với các con của mình.
Trích đoạn sách hay cuốn sách "Làm Phụ Huynh Của Trẻ Montessori - Mẹ 3A"
Phần lớn lý do khiến tôi quyết định chọn môi trường Montessori cho Abby, đứa con lớn nhất của tôi, là vì Abby đã yêu thích cô giáo và bạn bè từ ngày đầu tiên đi học. Lúc đó, Abby vừa tròn 3 tuổi. Tôi đã dẫn con bé đi khá nhiều trường và con ngay lập tức tỏ ra vui vẻ ở ngôi trường mới này. Quan điểm của tôi là con đi học phải được vui vẻ. Một số yếu tố sau đó đã giúp tôi lý giải được vì sao bé ngay lập tức thích môi trường này:
– Trước khi con đi học, tôi đã gặp cô giáo tìm hiểu. Tôi cũng có nói với cô một số điểm khác biệt của con tôi so với những đứa trẻ khác như không ngủ trưa, không thích nói chuyện với người mới gặp…
– Cô giáo nói cô có cách sắp xếp để con tôi chấp nhận môi trường mới, nhưng tôi cũng cần cho cô và con thời gian để con làm quen được với nếp sinh hoạt ở lớp. Không thể nào bắt bé vui vẻ ngay trong ngày đầu ở một nơi lạ lẫm.
– Vì cũng hơi lo lắng cho đứa con gái nhút nhát này, tôi đề nghị cô giáo cho con học nửa ngày trong một tuần để làm quen. Lúc mới bắt đầu, con vào lớp là đúng 3 tuổi, nhỏ nhất lớp.
– Ngày đầu con tôi tới lớp mới, cô giáo đứng ở cửa lớp. Tôi thấy một bạn trai và một bạn gái tầm 4, 5 tuổi bước tới đưa tay dẫn con tôi vào. Tôi đứng phía xa, không nghe rõ các bạn nói gì với nhau, nhưng ngay lập tức con tôi đã đi thẳng vào lớp mà không ngoái lại nhìn tôi lần nào. Điều này rất khác với những nhà trẻ trước đó con từng đi ở chỗ dù bé có quen lớp tới đâu thì khi tôi vừa thả xuống là bé khóc rất to, đến khi tôi biến mất sau cửa lớp thì tôi mới không còn nghe thấy tiếng con khóc nữa. Ở đây, con gái tôi đã vui vẻ đi theo các bạn từ ngày đầu tiên.
– Những ngày sau đó, tuy con tôi không tỏ ra buồn hay vui trên đường tới lớp, nhưng tôi thấy bé bắt đầu hé miệng cười khi nhìn thấy cô giáo xuất hiện ở cửa lớp chào đón bé. Tôi biết, bé có sự kết nối và yêu thích cô giáo.
– Những ngày sau đó nữa, tôi phát hiện con cùng một số bạn bắt đầu cùng nhau trêu ghẹo cô giáo, khi các bạn tới lớp cùng lúc thì các bạn núp ở cửa chờ cô xuất hiện để hù. Cô giáo không giận mà còn phối hợp với các bạn. Tôi thấy không khí thật thoải mái, ở đó, các con và cô giáo không có khoảng cách nên rất hiểu và gần gũi nhau.
Khi con đã học ở môi trường Montessori, tôi được trường mời tới dự nhiều sự kiện của trường. Lúc đó, tôi mới được hiểu thêm về phương pháp, quyết tâm tìm hiểu một cách chính thống bằng việc đọc sách do chính bà Maria Montessori viết và tham gia một vài khóa đào tạo giáo viên Montessori. Chẳng hạn như, khi trường con tôi tổ chức văn nghệ. Không có gì hoành tráng, trường tổ chức cực kỳ gần gũi, ấm cúng. Các con lên biểu diễn với khoảng cách rất gần với ba mẹ, tạo cho con sự tự tin và yên tâm. Khi từng lớp lên biểu diễn, mỗi lớp đều có cả bé nhỏ và bé lớn. Điều làm tôi thấy thích thú nhất là khi các bé nhỏ quên bài thì bé lớn đứng bên cạnh lại nhắc, nhắc rất công khai nhưng hình ảnh đó dễ thương vô cùng. Đối với các phụ huynh ở đây, kết quả của buổi biểu diễn hoàn hảo không phải là điều chúng tôi mong chờ. Chúng tôi muốn thấy quá trình con có thể đứng trước đám đông, từ lúc con nhỏ, được dìu dắt, đến lúc con lớn hơn, lại quay lại dìu dắt các em nhỏ. Phương pháp Montessori quan trọng quá trình chứ không phải kết quả. Ở quá trình đó, chúng tôi biết các bé đang học, đang lớn.