Nhật Bản được xem là đất nước có đời sống tôn giáo rất đặc thù. Hầu hết người Nhật đều có nền tảng tôn giáo và tôn giáo có sự ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống của họ. Lịch sử Nhật Bản luôn có bóng dáng tôn giáo và việc phát triển nền văn minh của đất nước này được cho chính yếu thông qua tôn giáo, ít nhất vào thời kỳ đầu, bởi vì ngang qua việc du nhập các tôn giáo nước ngoài vào Nhật Bản, nghệ thuật, văn học, các hệ thống đạo đức, những phương pháp giáo dục và thể chế luật pháp đã được đưa vào đất nước này. Chúng ta có thể biết được phần nào những điều này qua cuốn sách đang cầm trên tay, Lịch sử Tôn giáo Nhật Bản của Masaharu Anesaki.
Theo tác giả, tôn giáo Nhật Bản thể hiện sự đa dạng và sâu sắc. Tác giả đã tiếp cận chủ đề của mình không phải như một người ngoài cuộc mà với tư cách là một sử gia và cũng là một tín đồ tôn giáo. Do đó, những quan sát của ông luôn sâu sắc và có tính phản biện khi cần thiết.
Cuốn sách của Anesaki cũng giới thiệu cho độc giả những nhân vật tôn giáo ấn tượng qua các thời kỳ lịch sử. Cuốn sách được chia thành 6 chương, và mỗi chương bao gồm một thời kỳ lịch sử theo sự sắp xếp của tác giả. Ở mỗi thời kỳ, các sự kiện và nhân vật nổi bật được đề cập, đi cùng theo đó là những nhận xét về sự ảnh hưởng của các tôn giáo vào đời sống xã hội, văn hóa, đạo đức và thậm chí chính trị. Bên cạnh đó, ông cũng thảo luận về triết học và giáo thuyết của các nhân vật tôn giáo được đề cập.
Mục lục
Lời Người Dịch
GIỚI THIỆU: NGƯỜI NHẬT VÀ NỀN VĂN MINH CỦA HỌ
CHƯƠNG I: THẦN ĐẠO VÀ HỆ THỐNG CỘNG ĐỒNG
CHƯƠNG II: SỰ DU NHẬP VÀ THIẾT LẬP PHẬT GIÁO
CHƯƠNG III: THỜI KỲ HEIAN (BÌNH AN) - MỘT THỜI KỲ THANG BÌNH VÀ THỊNH TRỊ
CHƯƠNG IV: THỜI KỲ CHIẾN TRANH PHONG KIẾN VÀ XUNG ĐỘT TÔN GIÁO
CHƯƠNG V: CHẾ ĐỘ HÒA BÌNH VÀ TRẬT TỰ TOKUGAWA (ĐỨC XUYÊN)
CHƯƠNG VI: KỶ NGUYÊN MINH TRỊ VÀ SAU ĐÓ - MỘT THỜI ĐẠI TIẾN BỘ VÀ CÁC VẤN ĐỀ