Một công trình nghiên cứu sâu rộng về biển và văn hóa biển Việt Nam
Việt Nam là quốc gia ven biển, có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia. Chính vì thế, từ hàng trăm năm nay, văn hóa biển Việt Nam đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, thuộc các ngành khoa học khác nhau, trong đó có có ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Trước những bối cảnh như trên, để không chỉ là biết và hiểu về biển, đảo, biết cách ứng xử linh hoạt độc đáo để tồn tại và phát triển với biển, đảo; để khẳng định truyền thống văn hóa lâu đời của chủ thể văn hóa biển, đảo Việt Nam; để tìm cách giữ gìn những “trầm tích văn hóa” đã được tích tụ từ ngàn xưa, và quan trọng hơn cả, để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chúng ta cần những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử văn hóa biển Việt Nam. Lịch sử văn hóa biển Việt Nam là một công trình nghiên cứu xứng đáng để góp phần vào một nỗ lực như thế.
Với cuốn sách này, GS.TS. Nguyễn Chí Bền đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng một bức tranh toàn cảnh về văn hóa biển Việt Nam, tập trung đi sâu vào quá trình hình thành và phát triển của văn hóa biển Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Nhưng cuốn sách không chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu trên khía cạnh lịch sử, GS.TS. Nguyễn Chí Bền đã tỉ mỉ nghiên cứu, phân tích và tổng hợp một lượng lớn tư liệu dân tộc học, khảo cổ học, địa lý và các ngành khoa học xã hội nhân văn khác. Qua đó, tác giả đã tái hiện một cách sinh động và chân thực bức tranh đa dạng và phong phú về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Việt gắn liền với biển cả.
Cuốn sách bao gồm các nội dung chính cụ thể như sau:
Chương 1: Tổng kết các nghiên cứu về văn hóa biển Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, từ đó xác định những khoảng trống và hướng nghiên cứu mới.
Chương 2: Khẳng định Việt Nam mang vị thế một quốc gia biển cả về tự nhiên và xã hội, đồng thời đưa ra những quan niệm về văn hóa biển.
Chương 3: Phân tích các chủ thể tham gia vào việc tạo dựng và phát triển văn hóa biển, như cộng đồng ngư dân, cộng đồng lãnh đạo, các nhà văn hóa biển.
Chương 4: Phân loại và phân tích các loại hình văn hóa biển, từ văn hóa khai thác biển đến văn hóa thích ứng biển cả, văn hóa bảo vệ chủ quyền.
Chương 5: Khái quát sự biến đổi của văn hóa biển Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, từ thời tiền sử đến hiện đại.
Chương 6: So sánh và phân tích sự khác biệt của văn hóa biển giữa các vùng miền.
Chương 7: Bàn về một vấn đề quan trọng, đó là: bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa biển, tác giả đã đánh giá về thực trạng văn hóa biển hiện nay và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển văn hóa biển, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Với lối viết khoa học, chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn, tác giả đã xây dựng một hệ thống lý luận vững chắc và sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để phân tích và đánh giá các vấn đề liên quan đến văn hóa biển. Lịch sử văn hóa biển Việt Nam không chỉ có giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn lớn, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Lịch sử văn hóa biển Việt Nam không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên mà còn là một món quà tinh thần ý nghĩa dành cho những ai yêu thích và quan tâm đến lịch sử và văn hóa dân tộc.
Ông là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử văn hóa Việt Nam. Với hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành văn hóa học. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học, và được biết đến với những công trình nghiên cứu sâu sắc về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Một số công trình tiêu biểu: Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, (Nxb. Khoa học xã hội, 1997/2017), Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố (Nxb. Khoa học xã hội, 2013/2015) Văn hóa Việt Nam, nghiên cứu và tiếp cận, Tập 1, Quyển 1, 2, 3 (Nxb. Khoa học xã hội, 2018), A study on Vietnam’s folklore (Thế giới Publishing house, 2007)…