Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia bình đẳng về chủ quyền khi ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế. Ý chí của quốc gia thể hiện trong việc đàm phán để hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm, nghĩa vụ, xuất phát từ các điều ước và thỏa thuận quốc tế đó. Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ thì luật quốc tế là một công cụ pháp lý cơ bản và hữu hiệu nhất để điều chỉnh các quan hệ quốc tế song phương, đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Một trong những nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận chung là nguyên tắc các quốc gia phải thực hiện một cách thiện chí các nghĩa vụ mà họ đảm nhận theo Hiến chương Liên hợp quốc. Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều điều ước quốc tế song phương, đa phương với các quốc gia trong khu vực và thế giới cũng như các tổ chức quốc tế liên chính phủ như Liên hợp quốc – UN, Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, Liên minh châu Âu – EU, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN… Điều đó, một mặt thể hiện nỗ lực của Đảng và Nhà nước nhằm hội nhập ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị, kinh tế, thương mại của khu vực và cộng đồng quốc tế; mặt khác, thể hiện rõ vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia. Mở rộng quan hệ quốc tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng quan hệ với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lựa chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới, góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế dân chủ, công bằng, bình đẳng và cùng có lợi; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, chống mọi hành động gây sức ép, áp đặt cường quyền. Vì vậy, nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò tác động của luật quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một yêu cầu cấp thiết đặt ra.