Trước hết, đây là một cuốn Tiểu sử, nhưng ko phải theo cách thông thường mà tác giả nêu rõ ở nhan đề: qua 6 kiệt tác. Cuộc đời và con người Nghệ sĩ sẽ được trình thuật, phân tích thông qua 6 kiệt tác, cũng là 6 mốc trong con đường nghệ thuật của ông: Pieta (Đức mẹ Sầu bi), the Giant (tức tượng David), Creation (Sự Tạo dựng), The Dead, The End of time, Basilica.
Theo đúng phong cách viết của Miles Unger, ông đối chiếu các nguồn tư liệu, đặt vào bối cảnh lịch sử, xã hội, tôn giáo, để đưa ra một nhận định cho mình. Hai tác giả mà ông tham chiếu nhiều nhất và cũng “đối thoại” nhiều nhất là Condivi với cuốn sách “Life of Michelangelo” và Asari với bộ “Lives of the Artists”. Ngoài việc đối thoại, Unger còn phân tích các lý do dẫn tới cái nhìn “huyền thoại hóa” Michelangelo trong các tác phẩm đó, và bóc tách những điều mà ông coi là gần hơn với sự thật phía sau những diễn giải của họ.
“Nghệ thuật của Michelangelo từ chối sự ẩn danh như vậy. Những tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông có thể mạnh mẽ, ồn ào, thậm chí hiếu chiến; đôi khi chúng tự tin đến ngạo mạn và đôi khi rối loạn bởi sự nghi ngờ bản thân; chúng có thể giáng sấm sét qua không gian công cộng rộng lớn hoặc truyền đạt trong tiếng thì thầm thú nhận; trong mọi trường hợp chúng đòi hỏi được lắng nghe. Hơn bất kỳ nghệ sĩ nào trước đó – hoặc có lẽ kể từ chính ông – Michelangelo phóng chiếu bản thân qua tác phẩm để đi vào cuộc sống của chúng ta, một sự hiện diện tàn bạo, không thể bỏ qua. Bất chấp những gì bạn bè ông tin tưởng, hoặc giả vờ tin tưởng, ông không phải là thánh, những thứ ông chạm vào cũng không sở hữu bất kỳ sức mạnh siêu nhiên nào. Ông chỉ đơn giản là một con người, phàm phu và đầy thiếu sót. Nhưng sau năm thế kỷ, các tác phẩm ông để lại cung cấp một cái gì đó bổ dưỡng hơn hương thơm nhạt nhòa của sự thiêng liêng. Chúng rung động với những khó khăn, xung động, phàm tục của cuộc sống.”
(Michelangelo: Cuộc đời qua 6 kiệt tác)
Các nguồn khác ông dựa vào: Thư từ của Michel (bao gồm các phiên bản của cùng 1 lá thư được chính nghệ sĩ và người liên quan sửa chữa nhằm che đậy/biện minh nhưng, nghịch lý thay, lại bộc lộ rõ hơn hết điều mà người sửa muốn che đậy), các hợp đồng Michelangelo ký trong mỗi dự án; các ghi chép, đánh giá, chỉ trích, ca ngợi của người cùng thời; các nguồn tư liệu về các nhân vật liên quan (đặc biệt Raphael, Leonardo Da Vinci – hai người là đối tượng ganh đua của Michel, Machiavelli – thoáng liên quan; các Giáo hoàng, các nhà bảo trợ, bao gồm gia tộc Medici…); nhưng căn cứ quan trọng nhất là các tác phẩm của nghệ sĩ mà tác giả trực tiếp chiêm ngưỡng và phân tích.
Với mỗi tác phẩm, Unger phân tích ở các khía cạnh:
- Tác phẩm đó nằm ở đâu trong cuộc đời sáng tác của Michelangleo?
- Ai là người đặt hàng? Bối cảnh đặt hàng, các thỏa thuận được đưa ra
- Người bảo trợ, mối quan hệ với những người bảo trợ;
- Mối quan hệ với Michelangelo với gia đình trong khoảng thời gian đó
- Bối cảnh xã hội, chính trị và tôn giáo của Florence/Rome bấy giờ có tác động đến nghệ sĩ và việc sáng tác, và thậm chí cả bối cảnh “tranh giành hợp đồng” với các đối thủ.
Quá trình nghệ sĩ thực hiện tác phẩm của mình: Ông tự tay làm những gì, ai tham gia và phân công thực hiện như thế nào, qua đó sẽ hiểu được vì sao trong chân dung Michelangelo ở bức vẽ ở bìa, ngón tay lại gập lại và gồ lên ở phần khớp như vậy. Trong suốt đời mình, những lúc còn đủ sức, Michelangelo đều muốn tự tay mình làm tất cả với khối đá, bao gồm tham gia cả khâu lựa chọn, vận chuyển ban đầu. Các tác phẩm điêu khắc, các bức vẽ hầu như ông tự tay thực hiện. Dù về tiền nong không có gì là khốn khó, nhưng cuộc đời Michelangelo thực sự sống trong lao lực về thể xác, với các điều kiện sống đơn sơ và việc lao động nặng nề đến mức những người thợ cũng không thể theo nổi ông. Về sau, ngón tay ông bị viêm khớp nặng, và cơ thể có những tổn thương nặng nề. Đương nhiên, điều này không liên quan gì đến các đức tính chăm chỉ hay giản dị and so on. Các tư liệu đều cho thấy Michelangelo là một người khó tính khó chiều như thế nào, và yêu cầu của ông với đồng sự cao ra sao, và việc ông sống tằn tiện đơn giản chỉ vì ông không còn tâm sức đâu cho những hưởng thụ trần thế, mà việc phải đưa những hình thù ra khỏi khối đá đã choán hết mối quan tâm cùng thời gian của ông.
Quan trọng nhất, Unger phân tích bản thân các tác phẩm ở các khía cạnh đột phá, đặt trong truyền thống nghệ thuật hiện thời, trong đối sánh với các tác phẩm khác của Michel, các tác phẩm cùng đề tài, và đối chiếu với các phong cách khác cùng thời (nổi bật là với Da Vinci và Raphael); và đặt nó trong chiều sâu tinh thần của người nghệ sĩ, trong sự xung đột triền miên, trong tính khí khó ưa khó chiều của một người mà tố chất thiên tài không phải là một món quà mà là một hình phạt mà định mệnh giáng xuống mà anh ta phải gánh lấy trong xác phàm của mình.
Unger tỏ ra đồng cảm mạnh mẽ với nghệ sĩ trong cuộc chiến tinh thần dữ dội và dai dẳng đó, dù, nhiều lúc đôi chân của ông có vẻ đứng nhiều hơn trên phần đất của các chuẩn mực đạo đức và giọng điệu có chút châm chọc trước đối tượng mà ông miêu tả. Ngoài ra, một số người có thể không thích cách ông mô tả quá chi tiết về chất liệu, các vấn đề kĩ thuật trong quá trình tạc tượng vẽ tranh, nhưng với mình thì đây là điểm cộng. Nhìn chung, cá nhân mà nói, mình thích phiên bản này của Michelangelo.