Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại - Phan Duy Anh

115.200₫ 144.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 0 sản phẩm

ĐẶT TRƯỚC

Tác giả: TS. Phan Duy Anh

Hình thức: bìa mềm, 14x20,5cmm, 290 trang

Thể loại: Nghiên cứu chính trị Mỹ

Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia, 2022

Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại - Phan Duy Anh

Mỹ là siêu cường hàng đầu thế giới, mọi chính sách của Mỹ đều có tác động nhất định đến các nước khác. Tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều phải tính đến vai trò của Mỹ khi hoạch định chính sách phát triển cũng như chính sách đối ngoại của mình. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ ngày càng phát triển, việc nghiên cứu sâu về các vấn đề trong đời sống chính trị nội bộ là điều cần thiết để tăng cường hiểu biết về nước Mỹ. Sự hiểu biết này sẽ góp phần gợi mở những chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thúc đẩy những nhân tố tác động tích cực tới việc hoạch định chính sách của Mỹ.

Khi khám phá đời sống chính trị Mỹ, có thể thấy, đây là một quốc gia có hệ thống chính trị liên bang đặc biệt. Tự cho mình “như ngọn hải đăng” để định hình những giá trị cho nhân loại, nên ngay từ những ngày đầu lập quốc, Hiến pháp Mỹ đã thể hiện những quy tắc chính trị trên cơ sở của những triết lý mới đặc sắc cho một hệ thống chính trị chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong hệ thống chính trị Mỹ, các đảng chính trị và nhóm lợi ích là những thực thể không thể thiếu. Các chính đảng ra đời như một tất yếu lịch sử với tư cách là những tổ chức đại diện cho lợi ích của các tập đoàn người trong xã hội. Họ có mục tiêu chủ yếu là giành quyền lãnh đạo nhà nước bằng tuyển cử. Do đó, các chính đảng, dù là đảng cầm quyền hay đảng đối lập, đều quan tâm bao quát toàn diện mọi khía cạnh của đời sống, đưa các mục tiêu chính trị do mình đề ra vào quá trình hình thành ý chí chính trị và chính sách của nhà nước. Chính đảng trở thành chỗ dựa cho các cá nhân có tham vọng tham gia vào bộ máy quyền lực nhà nước để hoạch định chính sách phù hợp với nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào đảng chính trị cũng đủ mạnh mẽ để đại diện và mang lại quyền lợi cho người dân. Hoạt động của con người là để thỏa mãn nhu cầu, để chiếm lĩnh lợi ích, vì vậy họ tự nguyện hợp sức với nhau nhằm bảo vệ và củng cố, gia tăng lợi ích của mình là một tất yếu lịch sử. Xuất phát từ lợi ích và không ngừng làm gia tăng lợi ích, trong những trường hợp nhất định, các cá nhân liên kết với nhau thành nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích có ảnh hưởng lớn không chỉ ở việc bảo vệ các đặc quyền và đặc lợi cho thành viên của nó, mà còn góp phần cố vấn trực tiếp cho chính phủ, thậm chí vượt qua khuôn khổ nghề nghiệp trở thành các tổ chức chính trị chuyên biệt.

Với vai trò định hình cấu trúc hệ thống chính trị Mỹ nên đảng chính trị và nhóm lợi ích luôn là đối tượng quan tâm nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực mà trong đó có Chính trị học. Các câu hỏi như: đảng chính trị và nhóm lợi ích có quan hệ với nhau như thế nào? Cơ chế thúc đẩy cho những hoạt động của chúng? Và chúng có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của nước Mỹ?... luôn được đặt ra và được trả lời theo nhiều chiều hướng tiếp cận cũng như góc độ khác nhau.

Trong những nghiên cứu cả trên thế giới và Việt Nam từ trước tới nay có thể thấy, vấn đề về đảng chính trị và nhóm lợi ích nói chung và mối quan hệ giữa chúng nói riêng trong nền chính trị Mỹ đã được tìm hiểu từ lâu trên thế giới, song ở Việt Nam đây là điều khá mới mẻ. Qua các công trình của mình, các nhà khoa học chính trị thế giới đã đề xuất các lý thuyết để luận giải sự gắn kết giữa đảng chính trị với các nhóm lợi ích trong đời sống chính trị Hoa Kỳ cũng như phác thảo những biểu hiện của mối liên kết này trong hệ thống chính trị, bầu cử và chu trình chính sách công. Còn ở Việt Nam, do xuất phát từ những đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, vấn đề mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ lại là vấn đề bị bỏ qua trong một thời gian dài. Tuy vậy, các nhà khoa học chính trị Việt Nam cũng đã có những phân tích chi tiết về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, vai trò quan trọng của đảng chính trị, nhóm lợi ích trong thể chế chính trị, trong bầu cử và hoạch định chính sách; để từ đó hình thành những nhận thức bước đầu về mối quan hệ giữa hai chủ thể này.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, nhưng vấn đề mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại chủ yếu được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu riêng về đảng chính trị hoặc về nhóm lợi ích. Nhu cầu cần tập trung nghiên cứu một cách trực diện và có hệ thống mối quan hệ này trên các khía cạnh như cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mối quan hệ; các dấu hiệu nhận biết mối quan hệ trong bầu cử và chu trình chính sách công Mỹ; các đặc điểm và bản chất của mối quan hệ; tác động của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích đến nền chính trị Mỹ hiện đại là cơ hội dành cho các nhà nghiên cứu. Thêm vào đó, đối với Việt Nam, một hệ thống chính trị khác biệt so với Mỹ, đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, thì việc nghiên cứu những nét đặc sắc của chính trị Mỹ nêu trên là điều rất cần thiết.

Có thể khẳng định rằng, sự xuất hiện của các nhóm lợi ích trong đời sống chính trị hiện đại là điều không thể tránh khỏi. Có các nhóm lợi ích tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, nhưng cũng có những nhóm lợi ích tiêu cực đã kéo quan chức chính phủ khỏi các quyết định liên quan đến lợi ích công. Quan ngại hơn khi đây lại là những nhóm chiếm đa số và thiết lập mối quan hệ gắn kết với các đảng chính trị cũng như đảng cầm quyền, dẫn tới tình trạng bè phái, đặc quyền, đặc lợi, lũng đoạn nền chính trị. Việt Nam cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan, duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”[1] và coi tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên: “Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức hoặc thôi chức”[2].

Khi sự ra đời của các đảng chính trị và nhóm lợi ích là tất yếu và sự ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng bè phái là nguy hại đối với nền chính trị thì việc thiết kế quy tắc vận hành của hệ thống chính trị để giảm thiểu tối đa những tiêu cực đó là điều rất quan trọng. Đây thực sự là một vấn đề lớn và có thể Mỹ là một trường hợp điển hình có các thể chế, hệ thống pháp luật khá khác biệt để giải quyết nan đề này. Vậy nên, để hiểu nền chính trị Mỹ hiện đại cũng như hiểu việc thiết kế hệ thống chính trị nhằm cố gắng khắc phục những hạn chế, tiêu cực của nhóm lợi ích, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ là điều cần thiết.

Hiện nay, không chỉ mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích đã thu hút nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí không ít các ý kiến trái chiều nhau trong các giới khoa học và giới lãnh đạo, quản lý, không những ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới. Việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích ở Mỹ không chỉ thể để hiểu biết sâu sắc hơn tính phức tạp của liên kết này trong đời sống chính trị Mỹ, mà qua đó, góp phần nhận thức đúng đắn hơn về đảng chính trị, nhóm lợi ích cũng như các dạng thức liên kết khác nhau của hai loại tổ chức này, từ đó đưa ra mô hình phân tích phù hợp với bối cảnh kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội của đất nước, đáp ứng mục tiêu xây dựng một nền dân chủ pháp quyền hiện đại, một nhà nước thực sự “của dân, do dân và vì dân”.

Xuất phát từ những quan điểm đó, cuốn sách Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại như một trong những nỗ lực đầu tiên góp phần khám phá chủ đề cơ bản và quan trọng của ngành Khoa học chính trị ở Việt Nam. Mạch nguồn xuyên suốt của cuốn sách là khám phá mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong bầu cử và chu trình chính sách công ở Mỹ hiện đại. Cuốn sách đi tìm lời giải cho các câu hỏi: 1) Cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mối quan hệ đảng - nhóm ở Mỹ là gì? 2) Những dấu hiệu nào để nhận biết mối quan hệ đảng - nhóm trong nền chính trị Mỹ hiện đại? 3) Đặc điểm và bản chất của mối quan hệ đảng - nhóm trong nền chính trị Mỹ hiện đại là gì? 4) Mối quan hệ đảng - nhóm có tác động như thế nào đến nền chính trị Mỹ hiện đại?

Cuốn sách này được viết dựa trên việc nghiên cứu các sự kiện chính trị mang tính lịch sử gắn liền với hoạt động của các đảng chính trị và nhóm lợi ích ở Mỹ được khai thác từ các nguồn khác nhau, trong đó tác giả chú trọng khai thác các nguồn tư liệu quý bằng tiếng Anh với trên 100 công trình, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển của James Madison hay của các nhà khoa học chính trị tiêu biểu như Anthony Downs, David Truman, Robert Dahl, Maurice Duverger… Cùng với đó, trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh việc sử dụng các phương pháp nghiên cứ chung của khoa học xã hội, tác giả tập trung sử dụng các phương pháp nghiên cứu nổi bật của Chính trị học như phương pháp cấu trúc chức năng (giúp nhìn nhận nền chính trị Mỹ nói chung và các đảng chính trị, nhóm lợi ích nói riêng như một bộ phận chức năng của hệ thống, có vai trò, tính hữu dụng, kết cấu và công năng nhất định); phương pháp phân tích hệ thống (giúp nhìn nhận nền chính trị Mỹ hiện đại vừa là kết quả vận động của nhiều yếu tố vừa độc lập vừa liên hệ và tùy thuộc lẫn nhau, vừa có tính đơn lẻ vừa mang tính tổng hợp, vừa là động lực của tiến hóa trên các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống chính trị nói riêng, trong hệ thống xã hội nói chung).

Cần phải một lần nữa khẳng định, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại là một vấn đề khó, nhiều cách tiếp cận và còn nhiều ý kiến khác nhau trong Khoa học chính trị thế giới và ở Việt Nam, đây là một khía cạnh đầy mới mẻ, cần tiếp tục nghiên cứu. Do đó, cuốn sách này là tập hợp những nhận thức khiêm nhường của tác giả với mong muốn khám phá được các câu hỏi nghiên cứu đặt ra.

 


[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75.

[2]. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm cao, biện pháp quyết liệt, nhằm tạo chuyển biến mới về xây dựng Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.247.

zalo