Loạt tản văn của Nguyễn Thiện Bản ra đời trong và sau một trận đại dịch làm chao đảo cuộc sống con người trên toàn cầu, khiến thế giới định hình lại theo một trật tự mới. Lần giở từng trang viết qua 2 phần: Câu kinh bụi phủ; Dấu chân, lối hẹp và nơi chốn, đọc và nao nao với + Đoạn Nhật ký của bác sĩ đa khoa - linh mục dòng Đa Minh khi trải qua 14 ngày tham gia điều trị trong BV dã chiến số 1, Quận 7: "Chưa bao giờ mình thấy người ta thương nhau như lúc này. Bệnh nhân khỏe thì lo cho người yếu hơn. (...) Đôi khi cũng có những buồn bực nhưng họ quên hết, không để bụng nữa. Nhân viên y tế cũng hết sức ân cần, chịu khó lắng nghe và ra sức chữa trị cho người bệnh" [Ghi lại để nhớ]. + Đoạn "Cảnh vẫn vậy, như vẫn còn giữ vẻ cố hữu của một miền phong thổ tâm tính thơ ngây. Cái thơ ngây của những người bước chân đi đầu chạm mây trời. Cái thơ ngây của phố thị dốc đồi và rẫy nương xanh mát, lên bổng xuống trầm. Xưa đã vậy và nay cũng cứ vậy" [Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông...]
Trong vai Cã Mê Chơi, lữ khách, đứa con hoang đàng, người cha nghiêm túc, kẻ si tình, người bạn giang hồ.., tác giả đi gom góp các câu chuyện nhân sinh trên đường đời bụi bặm, rồi soi xét dưới ánh sáng của truyền thống tâm linh Công giáo để mang đến một tập văn xuôi nhiều trải nghiệm, chia sẻ và suy tư.
Vai trò đức tin cũng được Nguyễn Thiện Bản lật đi, lật lại, không ngừng truy vấn bằng tư duy hiện đại, với nhãn quan riêng.
Con người hiện đại chìm nổi trong đại dịch, chiến tranh, chủ nghĩa tiêu dùng, đời sống công nghiệp... tất cả đổ bóng lên những câu chuyện bao dung, nhiều gợi mở. Những trang sách mời gọi một cuộc kiếm tìm giá trị sống cân bằng, bình thản trước thế giới không ngừng xoay chiều.
Ngang qua Vườn Cây Dầu không chỉ là hành trình tâm linh dành cho người tín hữu Công giáo hay khoanh vùng trong văn hóa Nhà Đạo, mà còn dành cho những tâm hồn đang chờ đợi một cuộc chuyện trò chân thành, thấu hiểu và yêu thương.