Nhà văn – Giáo sư Nguyễn Bách Khoa – Trương Tửu (1913-1999) là một trong những nhà lý luận phê bình tài ba nhất của thế hệ tiền chiến, một trong những người đi tiên phong trong lãnh vực phê bình văn học, ông còn sáng tác một loạt tiểu thuyết. Người thầy Nguyễn Bách Khoa là những trang viết về cuộc đời và sự nghiệp, những nghiên cứu học thuật và sáng tác, những hồi ức, kỷ niệm về ông…
21 bài viết được chia làm 2 phần: Phần 1 - Nghiên cứu học thuật và sáng tác; phần 2 - Hồi ức - kỷ niệm là những tham luận của các nhà khoa học được chọn lọc qua các hội thảo về GS Trương Tửu do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức (2008) và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức (2013). Đó là các nhà khoa học đầu ngành về KHXH - NV của VN như PGS Phan Ngọc, GS-NGND Nguyễn Đình Chú, GS-NGND Phan Trọng Luận, GS-NGND Hà Minh Đức, GS-NGND Bùi Văn Ba (Phương Lựu), PGS Nguyễn Văn Hoàn, GS Phong Lê, PGS-TS Nguyễn Thị Bình, PGS-NGND Nguyễn Văn Long, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên… Họ đều tập trung làm nổi bật những đóng góp của GS Trương Tửu đối với nền văn học và giáo dục VN từ những năm 1930 - 1960 thông qua các hoạt động báo chí, văn hóa, giáo dục cũng như nghiên cứu văn học và văn hóa.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng cần nghiên cứu một cách bài bản đối với Trương Tửu như một tác gia và như một nhân vật văn hóa - lịch sử. Theo ông Ân, rõ ràng Trương Tửu là một tác gia: các sản phẩm ngôn từ của ông khá nhiều và đa dạng, ông vừa là nhà nghiên cứu phê bình văn học vừa là tiểu thuyết gia lại vừa là lý thuyết gia về văn hóa, xã hội học… Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Trương Tửu chủ trương lập nhà xuất bản Hàn Thuyên, xuất bản tờ báo Văn Mới. Đây là nơi đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị như Văn học khái luận của GS Đặng Thai Mai, các tác phẩm nghiên cứu của Trương Tửu (bút danh Nguyễn Bách Khoa) như Kinh Thi Việt Nam, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều…
Trương Tửu còn là một nhà giáo dục uyên bác, đã đứng trên bục giảng đại học những năm còn trong kháng chiến và sau khi miền Bắc vừa giải phóng. Ông được phong hàm giáo sư bậc đại học đợt đầu tiên (1956) và góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò là những nhà khoa học ưu tú như: GS-NGND Phan Trọng Luận, PGS Cao Xuân Hạo, nhà phê bình Văn Tâm, GS GS-NGND Nguyễn Đình Chú, GS-NGND Hà Minh Đức, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao...
GS-NGND Hà Minh Đức nhớ lại những ngày tháng được thụ giáo thầy Trương Tửu ở giảng đường Đại học Đông Dương: “Thầy Trương Tửu thường lên lớp ở giảng đường ba. Từ dốc cao đi xuống, học trò đã nhìn thấy thầy từng bước, đĩnh đạc đang đi về phía lớp. Tháp tùng thầy có “bộ tứ” đi hơi lùi về phía sau và chia làm hai cánh tả hữu, mỗi bên hai trợ lý. Đó là các anh Cao Xuân Hạo, Thúc Hà, Phan Kế Hoành, Văn Tâm”.
Sau khi GS Trương Tửu mất, các tác phẩm của ông đã được tái bản: Nghiên cứu Phê bình (2007), Văn xuôi (2009) và Văn hóa (2013). GS Trương Tửu đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu văn học trọn đời với bộ 3 tuyển tập nêu trên vào năm 2014.