Nhân Dân, Quyền Lực Và Lợi Nhuận+Cái Giá Của Sự Bất Bình Đẳng (combo 2 cuốn) - Joseph E. Stiglitz 

360.000₫ 480.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 200 sản phẩm

 

Nhân Dân, Quyền Lực Và Lợi Nhuận+Cái Giá Của Sự Bất Bình Đẳng (combo 2 cuốn) - Joseph E. Stiglitz

1. Nhân Dân, Quyền Lực Và Lợi Nhuận

Người Mĩ đều cảm nhận được rằng nền kinh tế quốc gia - và cả chính phủ - đều nghiêng về phía các công ti lớn, nhưng theo Joseph E. Stiglitz tình hình còn thảm khốc hơn. Một số tập đoàn lớn đến mức thống trị hoàn toàn một lĩnh vực kinh tế, góp phần gia tăng bất bình đẳng và giảm tốc độ tăng trưởng. Độc quyền chính là cách ngành tài chính sử dụng để tự viết nên các quy định điều tiết, các công ti công nghệ dùng để thu thập thông tin cá nhân không bị giám sát, và chính phủ Mĩ đàm phán những thỏa thuận kinh doanh không đại diện cho lợi ích của người lao động. Quá nhiều kẻ kiếm lợi bằng cách bòn rút của cải thay vì tạo ra của cải. Nếu không có các chính sách mạnh tay hơn, sự phát triển của công nghệ mới sẽ còn làm gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và thất nghiệp, và khiến tình cảnh của người dân ngày càng tồi tệ hơn. 

Với Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, Stiglitz cho thấy một thế giới thay thế là hoàn toàn khả thi, và hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể đảo ngược lộ trình thảm khốc này.

“Trump không có kế hoạch để giúp đất nước này; ông ta có kế hoạch để những người ở trên đỉnh tiếp tục bóc lột phần đa số còn lại. Cuốn sách này chỉ ra rằng chương trình nghị sự của Trump, và chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa, có nhiều khả năng khiến mọi vấn đề xã hội chúng ta đang đối mặt trở nên tồi tệ hơn - gia tăng cách biệt kinh tế, chính trị, và xã hội; giảm tuổi thọ trung bình; làm trầm trọng hơn tình hình tài chính quốc gia và đưa đất nước này vào một thời kì tăng trưởng chậm hơn kéo dài...” - Stiglitz

"Nghiên cứu kinh tế học đã dạy tôi rằng ý thức hệ của nhiều nhà bảo thủ là sai lầm; niềm tin vào sức mạnh thị trường tựa như đức tin tôn giáo của họ - lớn đến mức cho rằng chúng ta, trong hầu hết mọi trường hợp, chỉ cần đơn thuần dựa vào các-thị-trường-không-bị-kiềm-chế để vận hành nền kinh tế - là không có cơ sở lí thuyết lẫn bằng chứng thực tế. Thách thức ở đây không chỉ đơn thuần là thuyết phục những người khác hiểu ra điều này, mà còn là đưa ra được các chương trình và các chính sách có thể đảo ngược (i) sự gia tăng bất bình đẳng đầy nguy hiểm và (ii) sự bất ổn định tiềm tàng của quá trình tự do hóa tài chính được khởi xướng từ thời Ronald Reagan những năm 1980. Điều đáng lo là, cho đến những năm 1990, niềm tin vào sức mạnh của thị trường đã lan rộng đến mức quan điểm tự do hóa tài chính đã được thúc đẩy bởi chính một vài đồng nghiệp của tôi trong chính quyền, và thậm chí cuối cùng là chính bản thân Clinton".

“Mục tiêu của tôi trong cuốn sách này đầu tiên, và trên hết, là nhằm gia tăng hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc thực sự (real sources) làm nên của cải của một quốc gia; và làm thế nào đảm bảo thành quả của việc củng cố nền kinh tế sẽ được chia sẻ công bằng”.

2. Cái Giá Của Sự Bất Bình Đẳng 

Đã từ lâu chúng ta thường được nghe nói đến cụm từ “Giấc mơ Mỹ” (American Dream) để ám chỉ bình đẳng về cơ hội (equality in opportunities) trong xã hội Hoa Kỳ. Bình đẳng về cơ hội đơn giản được hiểu là mọi cá nhân về cơ bản đều có khả năng tiếp cận cơ hội thành công bất kể nền tảng gia đình là như thế nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, “Giấc mơ Mỹ” phần nào đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là giữa nhóm 1% dân số nắm giữa hầu hết tài sản xã hội và 99% dân số còn lại

Người lao động, tầng lớp trung lưu đã biểu thị sự bất đồng về tình trạng này. Bắt đầu vào ngày 17 Tháng 9 năm 2011, ngay trong khu tài chính sầm uất bậc nhất Hoa Kỳ - Phố Wall ở New York, với mục đích chống lại sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội, tham nhũng và sự ảnh hưởng chi phối của các tập đoàn vào chính phủ, đặc biệt là từ các lĩnh vực dịch vụ tài chính. Với khẩu hiệu, "Chúng tôi là 99%", đề cập đến sự bất bình đẳng thu nhập và phân phối của cải ở Mỹ giữa 1% những người giàu nhất và phần còn lại của dân số.

Thật trùng hợp, khi Joseph E. Stiglitz đã chỉ ra rằng, khẩu hiệu trong cuộc biểu tình Occupy Wall Street đã lặp lại bài viết của ông có tựa đề “Của 1%, bởi 1%, và do 1%” trên tạp chí Vanity Fair tháng 5 năm 2011 với nội dung về bất bình đẳng và cái giá của bất bình đẳng ở nước Mỹ và trên toàn thế giới. Đây cũng chính là tư tưởng trong cuốn sách trong cùng chủ đề của ông: “The Price of Inequality - How Today's Divided Society Endangers Our Future" (Tạm dịch: Cái giá của Bất bình đẳng - Một xã hội chia rẽ ở hiện tại đe doạ đến Tương lai của chúng ta như thế nào).

Bất bình đẳng hiện đang là một vấn đề lớn mà các quốc gia phát triển như Hoà Kỳ phải đối diện. Trong “Cái giá của Bất bình đẳng” Stiglitz đã chỉ ra thực tế bất bình đẳng đang diễn ra ở Hoa Kỳ và các nước phát triển xoay quanh ba vấn đề chính bao gồm: (1) các thị trường không hoạt động như các lý thuyết kinh tế, nó hoạt động không hiệu quả và không ổn định; (2) hệ thống chính trị đã không sửa được các thất bại của thị trường; (3) các hệ thống kinh tế và chính trị là không bình đẳng một cách cơ bản.

Stiglitz cho rằng bất bình đẳng này là kết quả của chính sách công đã bị bóp méo bởi tầng lớp người tinh hoa trong xã hội. Họ đã sử dụng quyền lực của mình để bóp méo cuộc tranh luận chính trị, cắt giảm thuế có lợi cho người giàu và điều chỉnh chính sách tiền tệ để có lợi cho ngân hàng. Chính các hành vi trục lợi bằng cách tác động, và thay đổi chính sách có lợi cho mình, các nhóm tinh hoa mặc dù chiếm số ít trong xã hội (nhóm 1%) làm cho mình ngày càng giàu có hơn rất nhiều so với nhóm dân số còn lại trong xã hội.

Vấn đề bất bình đẳng ở đây là một vòng luẩn quẩn cho đến bây giờ vẫn chưa thể phá vỡ: Bất bình đẳng là thất bại của thống chính trị, làm hệ thống kinh tế bất ổn, từ đó bất bình đẳng lại gia tăng.

Stiglitz đã phân tích tác hại của sự bất bình đẳng đối với sự phát triển kinh tế và với nền dân chủ. Chúng ta phải trả giá rất đắt cho sự bất bình đẳng. Trước hết, các xã hội bất bình đẳng không hoạt động hiệu quả, nền kinh tế của chúng không ổn định cũng chẳng bền vững trong dài hạn. Sự giàu có do các hành vi trục lợi thay vì các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính sáng tạo thực trong nền kinh tế sẽ làm giảm động cơ cho việc học tập, nâng cao trình độ của người lao động và tính sáng tạo đổi mới của nền kinh tế.

Từ đó, hệ quả là bất bình đẳng làm giảm năng suất, giảm hiệu quả, giảm tăng trưởng và làm tăng sự bất ổn; làm xói mòn ý thức về cộng đồng, về cuộc chơi công bằng. Ngoài ra bất bình đẳng còn làm xói mòn sự bình đẳng cơ hội cho mọi người dân lao động trong nền kinh tế, cản trở tiến triển xã hội trong cùng và cả liên thế hệ.

Bất bình đẳng được tạo theo cách như hiện nay sẽ làm cho những người lao động làm việc chăm chỉ, thông minh, sáng tạo không còn chỗ đứng thay vào đó, mọi người chạy theo hành vi trục lợi. Điều này gây ra hệ quả nguy hiểm cho nền kinh tế trong dài hạn về việc giới hạn khả năng sáng tạo do yếu tố thể chế, và chính sách gây ra.

Bất bình đẳng do những “cuộc chơi” không công bằng sẽ dẫn đến tình trạng xói mòn sự gắn kết xã hội nghiêm trọng hơn khi quan điểm, hành vi, và thái độ càng ngày càng khác biệt giữa nhóm 1% và 99% còn lại. Hơn thế nữa, bất bình đẳng không tạo ra động lực để vươn lên mà gây nguy hiểm cho nền dân chủ, làm giảm niềm tin của người dân vào chính phủ.

Điểm nhấn về mặt chính sách mà Stiglitz gợi ý là cần thiết phải tạo ra một xã hội bình đẳng hơn về cơ hội, với chính sách tiếp cận việc học tập và sáng tạo cho cả nền kinh tế.

Một trong những giải pháp được Stiglitz đưa ra trong cuốn sách là “tự do hoá lao động” thay vì “tự do hoá trên vốn” và đánh thuế vào vốn. Điều này sẽ tạo nên một sự cạnh tranh lao động giữa các nước, từ đó sẽ có những môi trường học tập và làm việc tốt hơn, đồng thời mức thuế sẽ được giảm cho người lao động. Bên cạnh đó nên đánh thuế cao vào vốn. Từ đó sẽ sinh ra một xã hội công bằng hơn.

zalo