Cuốn sách “Quy luật bất biến về lãnh đạo” được viết bằng kinh nghiệm nhiều năm trong vị trí cố vấn quản lý của tác giả Shunichi Yoshihara. Cuốn sách như thông điệp gửi đến với các bạn trẻ trong tương lai không xa sẽ trở thành nhóm trưởng (team leader), hay những người vừa bước vào công việc lãnh đạo, đặc biệt là ở môi trường công ty vừa và nhỏ. Trọng tâm cốt yếu giúp các bạn tìm ra được câu trả lời cho vấn đề: “Làm thế nào để bản thân phát triển hơn? Làm thế nào để phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo?”, từ đó giúp ích cho quá trình trưởng thành và phát triển sự nghiệp quản lý của bạn.
Mục lục Quy Luật Bất Biến Về Lãnh Đạo
Lời nói đầu
Chương 1: Giải quyết vấn đề
Phạm vi giải quyết vấn đề của người quản lý
12 Điều cần thiết trong giải quyết vấn đề
Các bước giải quyết vấn đề
Những phương pháp hữu dụng trong giải quyết vấn đề
Chương 2: Giao tiếp
Giao tiếp là gì
Stroke (tương tác kích thích): thúc đẩy và tạo động lực ở môi trường làm việc
Hiểu bản thân
Cách truyền cảm hứng bằng lời nói
Cách lắng nghe hiệu quả thúc đẩy sự phát triển của con người
Những điều quan trọng để nâng cao năng lực giao tiếp
Chương 3: Đào tạo cấp dưới
Năm điều cơ bản trong đào tạo cấp dưới
Đào tạo cái gì? Ba yếu tố trong đào tạo: tri thức – kỹ năng – thái độ
Xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng người
Tìm hiểu về OJT
Các bước OJT cơ bản
Cách chỉ dạy công việc trong OJT
Các lưu ý khi hướng dẫn
Những điều người quản lý cần làm để tạo động lực cho cấp dưới
Cách khen/trách mà người quản lý cần biết
Xây dựng văn hóa học hỏi
Chương 4: 11 quan điểm về kỹ năng quản lý
Chương 5: Những điều một người quản lý cần biết
Những lý thuyết phù hợp ứng dụng thực tế
Lý thuyết liên quan đến kỹ năng quản lý
Lý thuyết về học tập từ kinh nghiệm
Lý thuyết về nghề nghiệp
Tóm tắm những lý thuyết hữu ích cho nhà quản lý
Trích đoạn sách Quy Luật Bất Biến Về Lãnh Đạo
1. CHÍNH TRONG THỜI ĐẠI XOAY CUỒNG VỚI ĐỔI THAY, TA CÀNG PHẢI TRANG BỊ NHỮNG “QUY LUẬT” KHÔNG BAO GIỜ ĐỔI THAY
Thế giới hiện đại ngày nay luôn vận hành mang theo nhiều thay đổi. Vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hạt nhân, toàn cầu hóa, sự đa dạng hóa giá trị quan, tỷ lệ già hóa ở các quốc gia phát triển, mối quan hệ gia đình,…nếu kể ra thì không bao giờ dứt. Những thay đổi này diễn ra một cách thầm lặng. Và cũng do chính sự thầm lặng này, đôi khi chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cứ nhìn lại 10 năm trước, bạn sẽ thấy rõ số lượng những điều đã thay đổi.
Tuy vậy, những người được gọi là nhà quản lý luôn được kì vọng phải nắm bắt chính xác những thay đổi này và có những động thái đáp ứng hợp lý. Đây là điều tiên quyết mà tôi mong bạn ghi nhớ. Hẳn bạn có thể tưởng tượng là chúng ta cắm một cái ăng ten trên đầu, ngày ngày siêng năng chăm chỉ bắt những tín hiệu thay đổi của thị trường. Để chi tiết hơn công việc này, tôi giới thiệu với các bạn một Nhà kinh tế học mà tôi luôn thần tượng, Peter Drucker, đã phát biểu rằng: Điều quan trọng trong thế giới luôn có những sự chuyển mình to lớn, đó là chú trọng vào những nền tảng không bao giờ thay đổi.
Vậy, điều gì là không bao giờ thay đổi? Peter Drucker được công nhận như một nhà phát minh về quản lý (management), và trong đó bao gồm các cơ sở và nguyên tắc được ông cho là nền tảng không bao giờ thay đổi. Và đúng vậy thật, những quy chuẩn trong thể thao, công việc, quan hệ xã hội đều có thay đổi lớn theo từng thời đại, nhưng những gì Peter Drucker nêu ra không hề lung lay. Ông dặn dò chúng ta rằng, ngay trong thời đại biến động, hãy nắm giữ thật chắc những cơ sở và nguyên tắc này. Bằng việc nắm rõ nền tảng, ta hoàn toàn có thể phát triển ra thêm và áp dụng vào bản thân.
Tôi gọi những cơ sở và nguyên tắc của Peter Drucker bằng từ “Quy luật”, và việc những nhà quản lý rèn giũa bản thân được gọi là “tạo nên quy luật”. Phải, điều quan trọng là các bạn cần tạo nên quy luật.
2. SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA QUẢN LÝ
Hãy thử suy nghĩ thử về vai trò của quản lý. Có thể sẽ đơn giản hơn nếu tách ra thành 2 cụm từ “Vai trò” và “Quản lý”.
Trước hết, Quản lý là gì? Định nghĩa về Quản lý mà tôi thường dùng là “Quản lý: là người thực hiện kế hoạch của mình thông qua cấp dưới/ những người liên quan”. Trong định nghĩa này, điểm quan trọng thứ nhất là: quản lý là người vận hành người khác thực hiện công việc. Ở đây, sẽ phát sinh ra hai vấn đề quan trọng là “Kỹ năng lãnh đạo (Leader ship)” và “Tạo động lực”.
Điểm thứ hai là, để thực hiện kế hoạch của bản thân, điều quan trọng là cần nhận thức được rõ ràng ý muốn của bản thân và kì vọng của những người xung quanh.
Điểm cuối cùng, người quản lý là chuyên gia về công việc quản lý. Nghĩa là, bạn cần phải nằm lòng chu trình PDCA. (Chú thích: Plan lập kế hoạch – Do Thực hiện – Check Kiểm tra – Act Cải tiến)
Tiếp theo, ta đến với Vai trò. Định nghĩa của tôi là “Tổng hòa các kỳ vọng của những người xung quanh đặt vào bản thân”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, để phát huy được vai trò của bản thân, ta cần làm sáng tỏ kì vọng của đối phương về mình. Việc này có thể sẽ không dễ dàng, tuy nhiên, hãy nhớ rằng chính vì chúng không dễ dàng nên ta càng phải nỗ lực thực hiện.
Vai trò của bản thân cần nên được suy nghĩ thật cẩn trọng. Sự hiểu biết về bản thân và khả năng phát huy vai trò tỷ lệ thuận cùng nhau: càng nắm rõ bản thân nhiều, ta càng thể hiện vai trò của mình càng to lớn; ngược lại, càng mông lung về bản thân, ta càng thể hiện kém cỏi. Người ta thường nói “Tạo dựng vai trò”, chính là muốn nhấn mạnh mối quan hệ giữa vai trò và sự trưởng thành.
Trong các buổi huấn luyện kỹ năng quản lý, tôi ghi nhận nhiều ví dụ về suy nghĩ của người tham dự khi được yêu cầu định nghĩa vai trò là gì. Chúng đã làm cho tôi hiểu được vấn đề ở góc nhìn của các bạn. Sau đây, là 10 ý kiến tiêu biểu.
Vai trò là:
Thực hiện đúng theo phương châm Ban giám đốc (cấp trên) đề ra
Lập kế hoạch theo mục tiêu sẵn có, sau đó bắt tay vào thực hiện để hoàn thành mục tiêu
Tham gia vào việc hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty
Rà soát vấn đề, kiểm định và tìm hướng giải quyết
Tạo lập nhiều mối quan hệ
Cơ cấu tổ chức hiện quả
Tạo động lực cho cấp dưới
Hỗ trợ, chỉ đạo những vấn đề cơ bản trong công việc
Đào tạo cấp dưới
Xây dựng nền tảng cho tổ chức
Hãy thường xuyên nhìn nhận và cải thiện định nghĩa về vai trò của bản thân một cách cụ thể: ta cần làm gì với vai trò của mình?