Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em - Lee Darang

111.200₫ 139.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 200 sản phẩm

Tác giả: Lee Darang

Dịch giả: Hồng Phượng

Ngày xuất bản: 12 - 2024

Kích thước: 14 x 20.5 cm

Nhà xuất bản: NXB Công Thương

Hình thức bìa: Bìa mềm

Số trang: 260

 Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em - Lee Darang

Lo âu và sợ hãi là những cảm xúc rất tự nhiên mà trẻ nhỏ trải qua trong quá trình lớn lên. Tuy nhiên, khi những cảm xúc này trở nên quá mức, kéo dài và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đó là lúc các bậc cha mẹ cần tìm cách hỗ trợ để đồng hành cùng con vượt qua những trở ngại này. Cuốn sách Rối loạn lo âu ở trẻ em của chuyên gia tâm lý học đường Lee Darang chính là một "chìa khóa vàng" giúp cha mẹ hiểu hơn về những vấn đề tâm lý mà trẻ đang phải đối mặt, đồng thời cung cấp giải pháp để giúp trẻ xây dựng sự tự tin và trưởng thành.

Tác giả Lee Darang không chỉ là một chuyên gia tâm lý học đường, mà còn là một người mẹ đã đồng hành cùng con vượt qua chứng rối loạn lo âu trong suốt 10 năm. Cuốn sách Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em không chỉ là một cẩm nang hướng dẫn, mà còn là "bản báo cáo" chân thực từ hành trình nuôi dạy con của chính tác giả. Thông qua từng trang sách, tác giả giải thích tường tận về:

  • Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự lo lắng và sợ hãi ở trẻ.

  • Các đặc điểm tính cách, giai đoạn phát triển của trẻ khiến những nỗi lo âu này trở nên khác biệt.

  • Những hành vi của cha mẹ vô tình khiến trẻ thêm lo lắng và cách điều chỉnh để hỗ trợ con tốt hơn.

Cuốn sách được trình bày qua bốn phần:

  • Hiểu về sự lo lắng và sợ hãi ở trẻ: Tác giả phân tích lý do vì sao trẻ hay lo âu hơn bạn bè đồng trang lứa, cách nhận biết các dấu hiệu trẻ mắc rối loạn lo âu, cũng như làm thế nào để cha mẹ phân biệt giữa nỗi lo bình thường và những vấn đề cần can thiệp chuyên môn.

  • Phương pháp đồng hành cùng con vượt qua lo âu: Đây là phần trọng tâm với các chiến lược khoa học, dễ áp dụng, giúp trẻ đối mặt và từng bước vượt qua những nỗi sợ. Từ việc đồng cảm với cảm xúc của trẻ, kiên nhẫn theo tốc độ riêng của con, đến việc tạo dựng những trải nghiệm thành công nhỏ để xây dựng sự tự tin.

  • 13 câu hỏi thường gặp: Tác giả trả lời cụ thể những băn khoăn của cha mẹ về các vấn đề phổ biến như trẻ không dám thử điều mới, sợ giao tiếp xã hội, hoặc quá nhút nhát. Những câu trả lời này không chỉ cung cấp giải pháp mà còn giúp phụ huynh hiểu rõ hơn tâm lý của trẻ.

  • Cách giúp trẻ phát triển toàn diện: Phần cuối tập trung vào việc xây dựng cho trẻ một nền tảng vững chắc để vượt qua những khó khăn trong tương lai, đồng thời cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là sự chân thực và gần gũi trong cách tác giả chia sẻ. Với Lee Darang, đây không chỉ là một cuốn sách viết dựa trên kiến thức chuyên môn, mà là một hành trình cảm xúc và kinh nghiệm thực tế của chính cô. Những ví dụ minh họa trong sách là câu chuyện thật từ gia đình cô, được lồng ghép khéo léo với các phương pháp đã được kiểm chứng bởi khoa học.

Cuốn sách cũng mang đến một thông điệp đầy hy vọng: "Bạn không phải là người duy nhất". Tác giả mong muốn cuốn sách này không chỉ là một hướng dẫn, mà còn là nguồn động viên tinh thần cho các bậc phụ huynh đang cảm thấy kiệt sức và bế tắc khi đồng hành cùng con.

Mục lục sách Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em

  • Lời mở đầu: Cuối cùng tôi cũng nghe được con nói: “Mẹ ơi, con làm được rồi!’

  • Phần 1: Khi trẻ hay lo lắng và sợ hãi hơn so với bạn cùng trang lứa

  • Phần 2: Bố mẹ nên làm gì để con không bị choáng ngợp bởi lo lắng, sợ hãi

  • Phần 3: 13 câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ của trẻ mắc chứng rối loạn lo âu

  • Phần 4: Làm thế nào để giúp trẻ vượt qua nỗi lo sợ và phát triển một cách lành mạnh?

  • Phần kết: Trò chuyện với con về nỗi lo lắng

Trích dẫn sách Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em

Thỉnh thoảng, một số phụ huynh tâm sự với tôi rằng bản thân cảm thấy cáu kỉnh và tức giận vì chứng rối loạn lo lắng và sợ hãi của con. Việc phải đối mặt với một đứa trẻ mè nheo không chỉ trong một hai ngày mà là hằng ngày sẽ dễ dàng khiến phụ huynh cảm thấy kiệt sức và không có sức đồng cảm. Đặc biệt, nếu phụ huynh thuộc kiểu người không dễ lo lắng hay sợ hãi thì rất khó hiểu được cảm xúc của trẻ. Khi không thể thực tâm hiểu được, hãy thử sử dụng một số từ mang tính đồng cảm mà bạn đã học được. Đôi khi, nếu bạn thay đổi cách dùng từ, tâm trí hoặc suy nghĩ của bạn sẽ điều chỉnh theo ngôn ngữ mà bạn muốn diễn đạt.

Nếu thời điểm này bạn cảm thấy khó đồng cảm, thì hãy thử giảm bớt sự chỉ trích trẻ vì sự lo lắng và sợ hãi của chúng. Trên thực tế, có nhiều phụ huynh đã sử dụng những từ ngữ như: “Sao lần nào con cũng như vậy?”, “Các bạn khác đều làm như vậy, có gì mà con phải sợ hãi?”, “Con định tiếp tục hèn nhát thế này à?”... Những câu nói này thực sự không cải thiện được hành vi của trẻ mà chỉ làm xấu đi mối  quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng còn gây ra các tình huống hoặc hành vi có vấn đề khác nữa. Nếu cha mẹ cảm thấy mình đang vô tình chỉ trích con, tôi khuyên bạn nên cố gắng kiềm chế lại.

(Trích mục: Tránh thể hiện thái độ chỉ trích đối với sự lo lắng và sợ hãi của con)

[...]

Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng: “Có nên ngăn cấm cho trẻ xem những tin tức liên quan đến tai nạn không?”. Mặc dù không phải đứa trẻ nào cũng lo lắng và sợ hãi, nhưng những bản tin với hình ảnh và video tái hiện những vụ tai nạn bất ngờ sẽ mang lại căng thẳng và lo âu cho tất cả mọi người. Vì vậy, những thông tin này là một kích thích mà trẻ khó có thể tiếp nhận được, đặc biệt là những trẻ hay lo lắng. Con không thể cứ mãi ngây thơ, nhưng nếu cha mẹ cảm thấy con mình chưa sẵn sàng hoặc khó giải thích, thì tốt nhất không nên để con biết. Điều quan trọng nhất là cách cha mẹ giải thích sự việc và liệu họ có thể giải thích được đủ để giúp trẻ cảm thấy an toàn không. Nếu đó là một sự việc mà ngay cả cha mẹ cũng khó tiếp nhận, họ sẽ không thể giải thích rõ ràng và an ủi con mình được. Nếu buộc phải giải thích về một vụ tai nạn, hãy cố gắng tạo cơ hội để con thoải mái đặt câu hỏi về những mối quan tâm và lo lắng của mình. Hãy hỏi trẻ: “Con biết đến sự việc này như thế nào?” để kiểm tra xem trẻ đã biết được đến đâu qua bạn bè hoặc qua phương tiện truyền thông. Sau đó, hãy hỏi con: “Con cảm thấy thế nào khi biết về vụ tai nạn?” hoặc “Con có lo lắng điều gì không?” và khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ. Việc này rất cần thiết, vì khi trẻ cứ giữ lo lắng trong lòng sẽ kéo theo những vấn đề khác. Và khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn nên nói với con: “Nếu nghĩ về chuyện đó mà có câu hỏi khác hoặc cảm thấy lo lắng, con có thể chia sẻ với bố mẹ”. Việc để lại khả năng chia sẻ câu chuyện này sẽ khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Ngoài ra, việc đưa ra những lời giải thích khách quan cho trẻ về giáo dục an toàn có lợi ích rất lớn. Nó giúp trẻ hiểu lý do tại sao phải thực hiện huấn luyện về an toàn, khả năng xảy ra điều gì đó thực sự thấp đến mức nào và việc đào tạo về an toàn sẽ giúp trẻ có khả năng ứng phó. Ví dụ, nếu trẻ vừa được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy và cảm thấy lo lắng cho ngôi nhà của mình, bố mẹ có thể nói với trẻ rằng chúng ta đang làm rất nhiều việc để ngôi nhà được an toàn và từ lúc bố mẹ sống ở đây đến giờ, chưa có vụ cháy nào xảy ra cả. Hãy giải thích với trẻ rằng dù có xảy ra cháy thì trong nhà đã có bình cứu hỏa, và chúng ta cũng đã học cách chữa cháy hiệu quả nên sẽ không có vấn đề gì. Lời giải thích này không chỉ nhằm trấn an trẻ mà còn để trẻ biết rằng mình có khả năng ngăn chặn cũng như kiểm soát được tình huống. 

(Trích mục Q&A: Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những điều tiêu cực và khuyến khích trẻ nói ra những điều mình lo lắng)

Sách Rối Loạn Lo Âu Ở Trẻ Em - Lee Darang

zalo