Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, quân và dân ta đã giành toàn thắng, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cuốn “Sài Gòn 105 độ F" của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng thuộc thể loại tiểu thuyết tư liệu. "Sài Gòn 105 độ F” là “mật lệnh" của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn phút đi trong giờ phút khẩn cấp dành cho những người Mỹ cùng nhiều chính khách, tướng tá chính quyền Sài Gòn được phép lên các phương tiện để rút khỏi Sài Gòn trước giờ phút sụp đổ.
Dựa vào các tư liệu, sự kiện và các nhân vật có thật, tác giả đã viết lại toàn bộ diễn biến giai đoạn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Đại thắng mùa Xuân 1975 diễn ra liên tục, quyết liệt và kéo dài trong gần 2 tháng (từ đầu tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975), nhưng trong tiểu thuyết này tác giả chỉ viết về giai đoạn từ đầu tháng 4 đến khi kết thúc. Tuy tác giả không dựng lại toàn bộ diễn biến nhưng vẫn cho độc giả thấy một bức tranh toàn cảnh. Một lý do nữa mà Nguyễn Anh Dũng lựa chọn giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, đó là tác giả được cầm súng trong đội hình Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, trực tiếp theo các đoàn quân tham gia chiến đấu từ mở đầu đến chiến dịch lớn cuối cùng đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc và tiến thẳng vào hang ổ của địch nên ông trực tiếp chứng kiến cuộc chiến đấu đầy căng thẳng. Đồng thời qua tham khảo nghiên cứu nhiều tư liệu, sách báo trong và ngoài nước, tác giả đã tái hiện một cách sinh động, chân thực cuộc chiến qua các góc độ khác nhau. Là người nghiên cứu lịch sử quân sự trong nhiều năm, theo tôi đây là một cuốn tiểu thuyết được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, dựa trên các tài liệu đáng tin cậy được công bố từ hai phía.
Cuốn tiểu thuyết gồm 12 chương, mỗi chương trình bày những sự kiện tiêu biểu của cả hai phía lần lượt xuất hiện các tướng lĩnh chỉ huy của cả hai phía. Qua đó, tác giả khắc họa và góp phần làm nổi bật cuộc đấu trí, đấu lực đầy căng thẳng, cam go tạo sự hấp dẫn. Đồng thời cuốn tiểu thuyết phản ánh khá chân thực, xúc động những hình ảnh chiến đấu. Đặc biệt, qua từng trang sách, bằng thủ pháp đồng hiện”, đã khắc họa tương đối thành công chân dung nhân vật.
Là một cuốn tiểu thuyết, nên bên cạnh các nhân vật và các sự kiện lịch sử có thật, tác giả có hư cấu thêm một số nhân vật khác. Tuy nhiên sự hư cấu này về cơ bản không làm ảnh hưởng tới sự thật lịch sử. Đây là sự đầu tư sáng tạo của nhà văn mà thể loại tiểu thuyết không bó buộc người viết cứ phải “bê” nguyên chất liệu lịch sử vào tác phẩm. Ví dụ như nhân vật Đại tá Lê Thuyết đã góp một phần không nhỏ làm tăng thêm phần kết nối giữa các nhân vật. Có lẽ tức giả đã căn cứ vào hình mẫu các nhà tình báo có thật cài cắm trong các bộ máy chính trị - quân sự làm cố vấn gây ảnh hưởng dẫn tới thay đổi cục diện của cuộc chiến. Đó là các nhà tình báo đã trở thành huyền thoại như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Đặng Trần Đức, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Văn Minh...
Cùng với việc khắc họa các nhân vật lịch sử phía cách mạng, tác giả còn tái dựng lại chân dung các nhân vật chính trị quan trọng trong bộ máy chính quyền Sài Gòn như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền, Đỗ Mậu... Bên cạnh các chính khách, tác giả cũng trình bày hoạt động của các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn như Cao Văn Viên, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Toàn, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, Nguyễn Hữu Hạnh... một cách sinh động, khách quan. Nhìn chung đó là những nhân vật được Pháp và Mỹ lựa chọn và đào tạo khá bài bản, được gửi đi tu nghiệp tại nhiều trường quân sự hàng đầu và được trang bị nhiều kiến thức về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa phương Tây. Nói như vậy, để thấy rằng tác giả Nguyễn Anh Dũng đã cố gắng không sa vào lối mòn, chỉ trình bày một chiều về đối phương như những kẻ bất tài, tham nhũng, chuyên áp phe hối lộ, ham ăn chơi, mê đắm tửu sắc, lúc xung trận thì ham sống sợ chết như một số sách, báo trước đây vẫn viết. Bởi lẽ, họ là những công cụ đắc lực có kiến thức chính trị - quân sự tương đối cao, có tinh thần “chống Cộng" ngoan cố tới cùng.
Cuốn sách, như tâm nguyện của tác giả, góp phần vinh danh chiến thắng hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, đây còn là lời tri ân, tưởng nhớ sâu sắc tới nhiều đồng đội, đồng chí, đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu trường chính của dân tộc. Có thể cuốn tiểu thuyết còn có những hạn chế và bất cập nhất định song đây vẫn là một cuốn sách có nội dung tốt, rất đứng để độc giả tìm đọc.
Đại tá, Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Quang (Nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự)