Sài Gòn, cũng như bất cứ thành phố nào trên thế gian, giấu trong lòng nó hàng ngàn ký ức. Có loại ký ức hiện hữu, chẳng hạn một bức tranh xưa, một tờ báo cũ, một món nữ trang; cũng có loại ký ức thuộc về tinh thần, chỉ có thể sống trong niềm thương nỗi nhớ của người hoài niệm. Mà dù là loại ký ức nào thì chúng cũng đang dần bị thất tán, lãng quên. Thật may, Sài Gòn còn có một người tình như Phạm Công Luận.
Mối tình của anh với Sài Gòn đã cho ra đời bộ sách quý, Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố tập 1 và 2. Khi tập 1 ra đời, nhiều người cầm cuốn sách trên tay đã rưng rưng, bởi những hình ảnh xưa cũ này, những câu chuyện đượm màu ký ức này, chúng như cỗ máy thời gian thần kỳ ngay lập tức đưa người ta quay về với một thời hoa mộng.
Có thể nói Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố là một tác phẩm khảo cứu công phu, nghiêm túc, với rất nhiều tư liệu quý hiếm mà thậm chí thư viện hay bảo tàng quốc gia cũng không có được. Bên cạnh đó cuốn sách cũng có thể coi như một áng văn chương mềm mại, tinh tế và thâm trầm. Văn Phạm Công Luận trong Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố dường như hòa làm một với rêu phong. Độc giả đã quen lối văn hùng biện, triết luận của anh trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, “Những lối về ấu thơ”… khó có thể nhận ra anh trong cuốn sách này, nhưng thật ra anh luôn có ở đó. Những câu văn anh giấu mình, khiêm nhượng trước sự mênh mông của đời phố và đời người.
Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố tập 2 có nhiều tư liệu hiếm và lạ hơn tập 1. Chẳng hạn những bức tranh quý giá trong bộ sưu tập của chị Loan de Fontbrune, một nhà sưu tầm Pháp tha thiết yêu nghệ thuật Việt; hình chụp Trịnh Công Sơn tuổi 23 già dặn và ưu phiền; hình chụp bản viết tay bức thư của cụ Vương Hồng Sển gửi Thủ tướng chánh phủ Việt Nam cộng hòa; hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang cùng người vợ mong manh, bạc phận… Và còn nhiều nhiều nữa. Hẳn Phạm Công Luận đã bỏ lại trong những ngõ ngách Sài Gòn cả một phần tuổi trẻ với bao nhiêu thời gian, công sức, đam mê mới có được những tư liệu độc đáo, quý hiếm này. Và hẳn người trao nó cho anh đã nhìn thấy trước mắt mình một tri âm tri kỷ, một tao nhân nặng nợ với Sài Gòn, một kẻ hành hương, một người thủ tín…
* * * * *
“Ai cũng thấy lịch sử Sài Gòn chỉ vài trăm năm, tài liệu cổ rất ít. Các tài liệu viết có bài bản chủ yếu bằng tiếng Pháp, là điều khó khăn nếu không nắm được ngôn ngữ này. Tôi tự biết không thể đi vào việc nghiên cứu, nên chỉ nhẩn nha viết điều gì mình có tài liệu, điều gì đủ cảm hứng để xông vào tìm hiểu. Cuốn sách của tôi giống như một cuốn tạp chí về Sài Gòn xưa do một người viết, sắc thái chính là chủ quan. Tài liệu là tùy duyên, phải tương đối lạ và độc, quan trọng nhất là tài liệu sống qua gặp gỡ, phỏng vấn. Hình ảnh cố gắng sao cho phong phú. Trong quá trình đi tìm tài liệu, khi không lần ra đầu mối hoặc thấy không có gì hay, tôi bỏ qua đề tài đó và đi tìm điều khác.”
“Tôi đọc được câu: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ” (Will & Ariel Durant). Có những điều đã có người viết rất giỏi, nên tôi muốn góp sức viết chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử, là những chuyện đời thường “cất nhà, làm vườn, nuôi con...”. Có thể chúng riêng tư nhưng cuộc sống đời thường của một giai đoạn quá khứ nào đó vẫn góp phần vào chuyện đời của một thành phố.”
(Trích “Tác giả Phạm Công Luận:Viết về những chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử - Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Một số nhận xét về cuốn sách
“Điềm đạm, nhẹ nhàng và cẩn trọng là những gì người đọc có thể cảm nhận tính cách của Phạm Công Luận qua văn anh. Sau cuốn Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố 1 được độc giả quan tâm đặc biệt, Phạm Công Luận trở thành tên tuổi mới đáng chú ý trong dòng sách viết về Sài Gòn vốn ít ỏi bấy lâu. Sự chỉn chu kỹ lưỡng và cái nhìn của một ký giả biết lùi khỏi những chộn rộn thời sự giúp anh có được sự giản dị, tinh tế khi thu thập và kể lại vệt chuyện về Sài Gòn - thành phố mà anh sinh ra và lớn lên.” - Tuổi Trẻ Cuối Tuần
“Cuốn sách có nhiều hình ảnh xưa chưa công bố. Lật giở từng trang sách, người đọc có thể nhớ về Sài Gòn của một thời, những bìa báo xuân và đĩa nhạc xưa cũ, cội nguồn những tấm ảnh về các diễn viên nổi tiếng nay đã lui vào hậu trường, những sinh hoạt lạ lẫm của "hòn ngọc Viễn Đông" đầu thế kỷ 20, những câu chuyện kiếm sống đầy xúc động trên đường phố Sài Gòn - Gia Định và hồi ức Tết đậm đà thân thương.” - VnExpress
“Đọc sách anh Phạm Công Luận, tôi chợt khám phá ra mỗi một con người Việt Nam là một kho tàng, từ những người vô danh, đến những người danh tiếng. Đề tài viết không đâu xa nằm trong sự tiếp xúc trong cảm thông, trong giao tiếp hằng ngày. Đọc sách anh tôi chợt thấy mình còn nợ với biết bao nhân vật trong thời đại mà tôi đã gặp thân thiết. Những người trong sách anh tôi đã gặp trong đời, và biết bao nhiêu người khác tôi đã gặp thật đáng viết. Sách của anh cho chúng ta những hình ảnh về Sàigòn những ngày xưa thân yêu, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả tại hải ngoại, thật là một món quà quý báu cho người Việt nước ngoài trở về quê hương, mang quyển Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố của anh Phạm Công Luận, làm quà trao tặng nhau để cùng nhớ về quê hương những ngày tháng xa xưa, còn rưng rưng đầy kỷ niệm thân yêu.” - T.S Phạm Trọng Chánh
“Luận có nhiều “hàng độc” để viết lắm: những căn nhà cổ, những bức tranh giấy và tranh kiếng Lục Tỉnh Nam Kỳ, những tấm ảnh “minh tinh, tài tử”, những tờ nhạc, tập báo, quyển sách xưa hiếm. Anh “moi móc” từ những vựa ve chai ngoài đường và trên mạng cho đến những sưu tập cá nhân ở Việt Nam và hải ngoại, để đưa ra những tư liệu không chỉ bằng chữ viết, chữ in mà còn là hình ảnh, lời kể, bức tranh, bức tượng, cuộn phim sống động. Tất cả những nhân chứng, vật chứng ấy, thấm đậm - cái nôn nao đi tìm sự thật và vẻ đẹp của ngày xưa và người xưa. Thấm đậm - cái cách anh yêu Sài Gòn không ồn ào mà lại sâu lắng... Và rồi, trên cái vốn thông tin và tư liệu giàu có đấy, để viết được thành sách, Luận có được một sự quan sát tỉ mỉ và tìm kiếm nhẫn nại. Luận có được một thần thái, một cách viết nhẹ nhàng, không cần điệu nghệ, không cần khoa trương mà vẫn cháy bỏng tình yêu đất và người.” - Nhà báo Phúc Tiến