Sài Gòn luôn là niềm cảm hứng bất tận của các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh và cả những ai yêu mến nó. Chỉ với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn ẩn chứa nhiều câu chuyện, kiến trúc, nét văn hoá mà dường như càng tìm hiểu, càng khai thác thì càng thấy như vô tận.
Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố của nhà báo Phạm Công Luận, lần đầu ra mắt bạn đọc năm 2014 như món quà rất duyên dành cho những ai yêu Sài Gòn. Tự nhận là người yêu Sài Gòn “như con cái yêu cha mẹ đã nuôi nấng mình...” nên những câu chuyện mà anh kể người đọc có thể thấy cả một trời cảm xúc của người viết và ngồn ngộn tư liệu, chất liệu của Sài Gòn từ thời Pháp thuộc đến hôm nay, từ lịch sử đến nhân vật, từ những sự kiện nổi bật đến chiều sâu văn hóa ẩn tàng trong cốt cách người dân và trong những góc khuất của đời sống...
Và trong những ngày đầu năm 2018, những câu chuyện đời của từng góc phố, hàng cây ấy được Phạm Công Luận tiếp tục kể lại với bạn đọc nhân dịp năm mới. Với hơn 250 trang sách, Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố 5 dẫn dắt bạn đọc qua những giai thoại về cha con nhà Franchini và lãnh địa Continental, mà khách sạn này có thể nói là một huyền thoại ngự trị trên rất nhiều bưu thiếp cổ về Sài Gòn và gần như thành một thứ biểu tượng phi chính thức của thành phố này. Chuyện về bà Thạnh Thị Mậu – chủ nhà in mang tên mình – mà không hề biết chữ, trong khi bà là người quản lý giỏi được gần xa nhắc tới. Chuyện một thời làm tranh sơn mài được tìm tòi và phát triển nhờ các giáo sư và sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương…