Có lẽ, Umberto Eco muốn trao cho độc giả một cuốn sách để họ có thể thốt lên sau khi đọc xong: “Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở một góc phòng với một quyển sách mà thôi.”
Và Tên Của Đóa Hồng xứng đáng là một món quà như thế. Cuốn sách là một ký ức lớn, đưa thời không lùi về khoảnh khắc mà lịch sử ngàn năm của thời Trung Cổ cô đọng lại chỉ còn 7 ngày, chân thực và huyền ảo, trong một tu viện dòng Benedict cổ xưa trên triền dãy Apennin nước Ý.
Lồng trong một cốt truyện trinh thám hấp dẫn về những tội ác khủng khiếp đầy ám ảnh diễn ra trong bóng tối nhà thờ, được dẫn dắt bằng tài kể chuyện siêu việt, trên nền cuốn tiểu thuyết lịch sử uyên bác, đồ sộ và đầy tính biểu tượng, chứa đựng những kiến thức văn hóa, triết học, nghệ thuật và tôn giáo sâu rộng, Tên Của Đóa Hồng mở ra một mê cung vừa tráng lệ huy hoàng vừa uy nghiêm tăm tối của thời Trung Cổ xa xăm, nơi các tu sĩ học thức sống theo thời gian nghiêm ngặt của giáo luật nhà thờ, trong nhịp điệu của những chầu kinh trên nền âm nhạc Thánh ca, theo đuổi những đam mê cao quý, thánh thiện, đồng thời bị cuốn vào những mưu đồ quỷ dữ trong một thế giới đầy mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, công lý và lạm quyền, sự thật và lầm lạc.
Ngay từ khi xuất bản lần đầu vào năm 1980, tiểu thuyết đầu tay của triết gia mỹ học hàn lâm, nhà bác học, nhà lý luận lừng danh thế giới Umberto Eco đã lập tức thành công vang dội, trở thành “cú sốc của tiểu thuyết đương đại”, một “siêu tiểu thuyết” được cả độc giả của văn chương bình dân lẫn bác học đón nhận nồng nhiệt khắp năm châu.
Umberto Eco Sinh ngày 5 tháng Một năm 1932 tại Alessandra và mất ngày 19 tháng Hai năm 2016 tại Milano, Ý. Thiên hướng đã thôi thúc ông làm trái ý cha, từ bỏ khoa Luật, chuyển sang nghiên cứu Triết học và Văn học Trung cổ tại Đại học Turino. Trong thời gian này, Umberco Eco trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin, trở thành người vô thần và từ bỏ Giáo hội Công giáo. Năm 1954, ông bảo vệ luận văn về Thomas xứ Aquino, đạt học vị Tiến sĩ Triết học.
Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L'Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze, Turino kiêm tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta".