* Một khoảng thời gian dài tôi cũng được đi Mỹ... Tho, Tây... Ninh như đi chợ (kiểu giễu nhại "đi Mỹ đi Tây như ai"), nhưng Mỹ Quốc thì vẫn "chưa tới đâu". Phải đến hơn bốn mươi năm, khi vật chất tương đối đầy đủ tôi mới dám thực hiện "một điều ước" được thốt ra trong tích tắc đồng hồ, để lần đầu tiên đặt chân lên "xứ bơ sữa" vào cải buổi chuyện bay đã dễ dàng như chuyện buýt (Airbus - buýt trên không, tên một hãng bay châu Âu), nhắc lại điều ước năm xưa bằng "cái giọng soprano" (nữ cao) sang chảnh "oai thiệt", chứ không phải "oai gồng" nữa. (Thiên Đường MỸ)
*Chao, đúng là giấc mơ (với riêng tôi).
Vương Quốc Anh, một đất nước rất quên, quê hương ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới, ngôn ngữ khi tôi bước chân vào Đệ Thất (lớp Sáu) đã chọn làm sinh ngữ chính, ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ tôi thân đến thuộc cả đời, ngôn ngữ tôi có thể - nghe nói đọc viết khá trôi chảy... Là giấc mơ, vì cho đến tuổi down the hilf (xuống dốc/già) tôi chưa từng một lần nghĩ mình đặt chân đến.... (Giấc Mơ ANH)
*Tắm truồng Onsen "thoải mái” không mảnh vải che thân đi suốt đoạn đường từ phòng trút xiêm y đến bồn khoáng nóng. Ai L don't care thì cứ việc từ tốn nhong nhong, ai mắc cỡ trước "một đám người không đông lắm" thì khoác lên cái khăn tằm đỡ nhột. Ông già bà cả thảy đều "nổ xì ta que” (tiếng bồi "no star where "không sao đâu") vì biết có ma nó chịu nhìn, nhưng các thiếu nữ thì vô cùng rúm ró, dù chả có ma nào nó thèm dòm... (Không chỉ có Sakura và Fuji, JAPAN)
*"Dân Sing hiếu hòa". Đó là nhận xét của nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây. Chẳng hề quen biết, "lỡ ngồi gần, thể nào họ cũng hồn nhiên quay sang nói chuyện ì xèo, nói huyên thiên tùm lum tà la đủ thứ chuyện bằng... tiếng Hoa "hiểu chết liền". Tôi phải giả bộ gật gù như rất hiểu "hảo a, hảo hảo” nghe rất ư "hữu hảo". Họ vui lắm, càng nói nhanh, nói nhiều, và nói... mất thời gian của mình ghê, vì dễ gì túm được nguyên con "vịt nghe sấm" lịch sự như thế... (Hoàng Tử Bé SINGAPORE)
Sinh 1954 tại Hà Nội. Nghề nghiệp: Kỹ sư, tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn (khóa 1973-1979). Có bài đăng báo đầu tiên năm 1969 Trước 1975 trên các báo Sóng Thần, Chính Luận, Hòa Bình, Thằng Bờm, bán nguyệt san Liên Sinh, các nội san học đường. Sau 1975, trên các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Người Lao Động Tạp Chí Hoa Cảnh, Nguyệt San Kiến Trúc Nhà Đẹp, Sài Gòn Tiếp Thị Cẩm Nang Tiêu Dùng... Các bút hiệu ngoài tên thật Thái Dương, Phan Phụng...