Trong lịch sử văn chương thời Nguyễn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều là những tác giả lớn với rất nhiều trước tác. Tổng số lượng thơ của ba vị vua này thống kê được đã lên đến khoảng 12.000 bài (vua Minh Mạng có khoảng 4.200 bài thơ, vua Thiệu Trị có khoảng 3.200 bài, vua Tự Đức có khoảng 4.600 bài). Những bài thơ phần nhiều là những việc kính trời, yêu dân, ghi ngày tạnh, ngóng ngày mưa, một câu một chữ đều tự ý mình sáng tác, không mượn tay các bề tôi văn từ làm hộ.
Đọc thơ vua trước tiên để thấy được là cái tình, cái ý của tiền nhân lưu gửi vào mai hậu như đúng quan điểm về thơ của các vua, sau rốt là thấy hiện lên “những trang thi sử” với xác tín hiển ngôn. Không chỉ vậy, từ những bài thơ này có thể đính chính về một vài nhầm lẫn cố hữu vốn đóng băng trong nghiên cứu về lịch sử và văn chương thời Nguyễn cũng như thời Trung đại. Đọc thơ và thấy sự khát vọng qua khoa cử tìm được Trạng nguyên của vua Minh Mạng, để nhận thức lại rằng triều Nguyễn không hề đặt ra lệ “không lấy đỗ Trạng nguyên”. Đọc thơ và thấy giá trị nhân văn của bậc hoàng đế trước nỗi thống khổ của người faan và xác định đúng tác giả của thi phẩm… Tất cả thơ trong tập sách này hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, soi chiếu thêm vào sử liệu để thấy được chân giá trị.
Thơ Vua và suy ngẫm không chỉ là cuốn sách sưu tầm và phiên âm, dịch ý các bài thơ của những vị vua triều Nguyễn, mà còn là một quá trình nghiên cứu về ý nghĩa, nguồn gốc, xuất xứ và những câu chuyện phía sau. Qua đó, người đọc có thể phần nào hình dung về góc nhìn hay những suy nghĩ của những vị hoàng đế triều Nguyễn xưa, cũng như hình dung một phần về lối sống của người dân trong giai đoạn lịch sử này.