Thực Hành Thai Giáo

223.200₫ 279.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 300 sản phẩm

Tác giả: Thạc sĩ Tâm lý học Đỗ Thanh Huyền, Trần Diệu Hằng (Huấn luyện viên dinh dưỡng và sức khỏe nội tiết), Tiến sĩ Xã hội...

Ngày xuất bản: 09 - 2024

Kích thước: 19 x 26 cm

Nhà xuất bản: NXB Công Thương

Hình thức bìa: Bìa mềm

Số trang: 252

Thực Hành Thai Giáo - Thạc sĩ Tâm lý học Đỗ Thanh Huyền

Giới thiệu sách Thực Hành Thai Giáo - Thạc sĩ Tâm lý học Đỗ Thanh Huyền

Các tài liệu về thai giáo có lẽ đã không còn quá xa lạ với các bậc cha mẹ hiện đại. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng tiếp cận được với thai giáo nguyên bản và thực hành thai giáo đúng cách giữa vô số thông tin đa chiều trên mạng xã hội. Chính vì vậy mà chúng tôi - những người mẹ với chuyên môn về dinh dưỡng thai kỳ, về tâm lý học và xã hội học luôn tự đặt ra câu hỏi: 

  • Làm thế nào để các mẹ có thể tự thực hành thai giáo một cách đơn giản, khoa học mà vẫn hiệu quả?

  • Làm thế nào để mẹ bầu có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử khi thực hành thai giáo?

Chúng tôi đã đau đáu về một cuốn sách có thể chứa đựng những điều quan trọng nhất mẹ bầu cần biết mà hạn chế dùng đến các thiết bị điện tử. Trong cuốn sách “Thực hành thai giáo”, chúng tôi sẽ cùng bạn khám phá từng giai đoạn của thai kỳ, sự phát triển của em bé, những biến đổi trong cơ thể mẹ, cũng như vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Cuốn sách này không chỉ là một nguồn tài liệu về sức khoẻ thai kỳ mà còn là những hướng dẫn chi tiết, giúp ba mẹ tự thực hành thai giáo theo từng tuần. Cha mẹ hãy chú tâm đọc theo, làm theo hướng dẫn đã được viết trong từng trang sách là đã có thể thực hành được thai giáo đúng cách và hiệu quả. Hãy thực hiện từng hoạt động bằng cả trái tim mình. Em bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ trong từng lời nói, từng hành động.

Cấu trúc sách gồm 3 phần:

  • Phần 1: Chuẩn bị trước khi mang thai

  • Phần 2: Hiểu đúng về thai giáo

  • Phần 3: Thực hành thai giáo

Chúng tôi hy vọng rằng mỗi trang sách sẽ mang lại cho bạn thêm kiến thức và niềm tin vào khả năng của bản thân và sức mạnh của tình mẫu tử, tình phụ tử.

Lời đề tặng:

Khi mở cuốn sách này ra, bạn sẽ cảm nhận được những nét đẹp của văn hoá Việt Nam được gửi gắm trong từng trang sách. Bạn sẽ bắt gặp những bài đồng dao, ca dao, bài thơ, câu chuyện,...quen thuộc trong lời ru của bà, của mẹ năm xưa. Bạn và em bé trong bụng cũng sẽ thấy bình yên hơn khi ngắm nhìn những bức ảnh gần gũi, thân thương, thấm đẫm tình cảm gia đình; tình yêu quê hương, đất nước. Đó là hình ảnh một người mẹ ôm con và mỉm cười hạnh phúc; đó là hình ảnh một người cha đang hào hứng trò chuyện với em bé trong bụng; đó còn là hình ảnh những danh lam thắng cảnh của Việt Nam hay đôi khi chỉ là một bông hoa nhỏ xinh trong vườn của bà... Tất cả đều thuần Việt và mang đúng tinh thần thai giáo dành cho mẹ Việt.

Cuốn sách có những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết, dễ áp dụng cho cả cha và mẹ cùng thai giáo cho con. Những hình ảnh minh hoạ sinh động, nhiều màu sắc, thông điệp tích cực rất tốt cho tâm lý mẹ bầu khi đọc và thực hành. Những bài thơ, bài hát, những gợi ý video, bản nhạc để ứng dụng trong thai giáo là phù hợp với việc tác động đến sự phát triển trí não, cảm xúc của thai nhi. Điểm ưu của cuốn sách còn có sự tương tác online với cha mẹ trên các ứng dụng công nghệ, các kênh truyền thông của chính các tác giả như podcast và group “Thực hành thai giáo” - TS. Phạm Thị Thuý (Tác giả sách Thai giáo - phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ (đã tái bản 14 lần) và nhiều sách hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ)

Trích đoạn sách Thực Hành Thai Giáo

1. CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CHÍNH MÌNH

Chắc hẳn ba mẹ sẽ có nhiều băn khoăn, lo lắng khi lần đầu tiên trải nghiệm một điều chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời. Việc chuẩn bị tâm lý cần được thực hiện bởi cả ba và mẹ bởi phôi thai được tạo nên từ cả hai người. Chắc hẳn ba mẹ sẽ có rất nhiều câu hỏi tự đặt ra cho mình. Nhưng có lẽ, trước khi quyết định mang thai, ba mẹ nên tự trả lời các câu hỏi sau:

Câu hỏi 1: Tinh thần của mình hiện tại thế nào?

Ba mẹ có gặp vấn đề gì về tâm lý như: stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,... không? Bên cạnh đó, nếu ba mẹ gặp bất cứ một vấn đề nào đó về mặt tinh thần như: vừa trải qua một biến cố, gia đình có chuyện buồn,... thì ba mẹ hãy lùi lại kế hoạch mang thai. Bởi mang thai khi tinh thần chưa ổn định thì em bé cũng sẽ cảm nhận được tất cả những điều đó. Chắc hẳn là mẹ sẽ mong muốn em bé của mình luôn tươi cười, hạnh phúc phải không?

Câu hỏi 2: Mình đã sẵn sàng, đã tự tin để làm cha mẹ chưa?

Rất nhiều ba mẹ bối rối, lo lắng khi các tình huống xảy ra với mình trên hành trình làm cha mẹ. Vì thế, việc tự trang bị kiến thức cho bản thân là vô cùng cần thiết. Ba cũng nên tìm hiểu để có thể hỗ trợ mẹ. Mẹ có thể đọc sách, nghiên cứu và chọn lọc trước các thông tin trên Internet, hỏi ý kiến chuyên gia,... Khi mẹ hiểu về từng giai đoạn của con phát triển thế nào, triệu chứng gì có thể xuất hiện,... thì mẹ sẽ có một tâm thế sẵn sàng, bình tĩnh  đón nhận một cách nhẹ nhàng. Ví dụ như trong ba tháng đầu thì mẹ thường hay nghén. Vậy làm sao để phòng ngừa nghén? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Khi mẹ tìm hiểu trước rồi, ngay cả khi cơn nghén đến với mẹ thì mẹ cũng bình tĩnh để đón nhận như một việc bình thường và biết cách để xử lý triệu chứng này.

Cả ba và mẹ có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây để chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất:

1. Tìm hiểu về thai kỳ và sinh đẻ: Đọc sách, tìm kiếm thông tin trực tuyến và thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia về thai kỳ và sinh đẻ. Việc hiểu biết sâu hơn về quá trình này có thể giúp ba mẹ giảm lo lắng và bình tâm hơn khi đối mặt với các tình huống có thể xảy ra trong thai kì.

2. Thiết lập một mạng lưới hỗ trợ: Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, hoặc các nhóm cộng đồng các bà mẹ thông thái. Nên kết nối để có một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp mẹ cảm thấy được ủng hộ và an tâm hơn trên hành trình của mình.

3. Học và thực hành các kĩ thuật giảm căng thẳng như: thiền, yoga, hít thở sâu, hoặc viết nhật ký, đi bộ,... Những phương pháp này có thể giúp mẹ giảm bớt căng thẳng và lo lắng, tăng cường tâm trạng tích cực.

4. Hãy chia sẻ cảm xúc của chính mình: Hãy mở cửa trái tim và chia sẻ những cảm xúc của mình với người thân yêu, bạn bè hoặc các nhóm hỗ trợ. Việc chia sẻ sẽ giúp ba mẹ cảm thấy nhẹ lòng hơn và nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

2. MẸ NÊN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ VỚI EM BÉ LỚN

Trò chuyện với con: Bắt đầu trò chuyện với con về việc sẽ có một em bé xuất hiện trong gia đình. Sử dụng ngôn từ phù hợp với tuổi của con để giải thích sự thay đổi này và trả lời các câu hỏi mà con có thể có. Thường xuyên nhắc đến sự xuất hiện của em bé trong bụng để gieo vào tâm trí con là con sắp có em. Mẹ hãy nhấn mạnh đó là một chuyện vui vì con sẽ có người chơi cùng, ăn cùng,… Và em sẽ rất vui khi có anh/chị.

Chia sẻ cảm xúc: Khích lệ con chia sẻ cảm xúc của mình về việc sắp có một em bé mới. Đảm bảo con biết rằng tất cả các cảm xúc, bao gồm cả lo lắng và hạnh phúc, đều là bình thường và được chấp nhận.

Dành thời gian cùng con: Tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt dành riêng cho con. Điều này có thể là việc chơi trò chơi yêu thích, đọc sách, hoặc thực hiện các hoạt động mà con yêu thích. Dành thời gian này giúp con cảm thấy được quan tâm và an toàn, cho con biết rằng ba mẹ vẫn ở đây và luôn yêu thương con.

Thiết lập sự chuẩn bị: Dạy con về những thay đổi sắp xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, như việc chia sẻ không gian và tài nguyên. Hãy giới thiệu cho con các ý tưởng về việc trở thành một người anh/chị trách nhiệm và yêu thương. Ví dụ: Khi chuẩn bị đồ đạc cho em bé thì mẹ hãy rủ con cùng đi mua đồ, gấp quần áo cho em. Trong lúc làm điều đó thì mẹ cùng trò chuyện với con,  để con có cơ hội là người chọn đồ cho em: “Con chọn quần áo cho em nhé. Con thích em đi đôi tất màu gì nào?... Con gấp quần áo cho em cùng mẹ nhé…”. Mỗi khi con chơi đồ chơi, mẹ hãy nhắc đến việc anh/chị sẽ cho em những đồ chơi nào, hai anh em/chị em sẽ cùng chơi ra sao: “Con sẽ cho em con gấu bông nào nhỉ? Con sẽ đọc cho em nghe cuốn sách nào đầu tiên? Vì sao con chọn cuốn sách đó?...”.

Tạo sự kết nối với em bé: Cho con cơ hội kết nối với em bé trước khi em bé chào đời. Để bàn tay của con cảm nhận bằng cách chạm vào bụng của mẹ, nghe trái tim của em bé bằng ống nghe hoặc cái lõi của cuộn giấy vệ sinh. Mỗi khi đi siêu âm thì mẹ cũng cho cả bé lớn đi cùng để tạo sự gắn kết. Hãy chỉ vào màn hình siêu âm và hỏi: “Con thấy không? Em bé nhà mình đấy. Em bé đang vẫy tay chào con đấy”... Hãy để con chạm vào bụng mẹ, giao tiếp bằng ngôn ngữ của con với em một cách tự nhiên. Điều này có thể giúp con xây dựng một mối quan hệ đặc biệt với em bé từ trước khi gặp gỡ.

Chuẩn bị cho sự thay đổi: Hãy giả định với con về việc có thể thay đổi sau khi em bé sinh ra, như việc chia sẻ thời gian và sự chú ý từ ba mẹ. Hãy giải thích rằng: “Vì em rất nhỏ nên em cần sự chăm sóc nhiều hơn, giống như ngày xưa con còn nhỏ, ba mẹ cũng chăm sóc con như vậy. Sẽ có lúc ba mẹ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho em nên con đừng buồn nhé vì ba mẹ luôn yêu con và yêu em như nhau”. Ba mẹ có thể dùng hình tượng cây nến để con hiểu: Thắp hai ngọn nến lên và nói tình yêu của ba mẹ dành cho hai anh em/chị em con giống như hai ngọn nến này (sáng như nhau). Đồng thời, khuyến khích con tham gia vào việc chăm sóc em bé và trở thành một phần quan trọng của gia đình.

sách Thực Hành Thai Giáo - Thạc sĩ Tâm lý học Đỗ Thanh Huyền

 

 

zalo