Bộ 2 tác phẩm "Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam" và "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam" của tác giả Nguyễn Hạnh là bộ sách biên khảo về tín ngưỡng của người Việt khởi từ thời dựng nước với khái niệm thờ: Trời, đất, tổ tiên. Những niềm tin dân gian của ông bà ta xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay thông qua kho tàng ca dao.
Tiếp đến là sự giao thoa văn hóa với 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam là Nho, Phật, Lão, Công Giáo. Chính sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian Việt Nam và 4 tôn giáo lớn này đã hình thành nên nhiều tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, Hòa Đồng Tôn Giáo. Sự giao thoa, tiếp thu và chọn lọc đó đã làm nên một đặc sắc trong chiều kích tâm linh đó là các tôn giáo du nhập phải được điều chỉnh và chứa đựng được yếu tố tín ngưỡng của người Việt.
Chính những ảnh hưởng giao thoa này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Việt xuyên suốt từ thuở dựng nước đến nay. Tác phẩm Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam sẽ góp phần làm phong phú thêm Tủ sách Triết học phương Đông của NXB Trẻ và là quyển sách cần thiết cho độc giả tìm hiểu về cội nguồn tín ngưỡng của người Việt.
Riêng tác phẩm "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam" là tập thứ hai trong tổng thể 2 tập của bộ sách. Nội dung của nó đào sâu hơn về: Thờ cửu huyền thất tổ, ý nghĩa của ngày Tết của người Việt, tục tảo mộ ngày Tết, cư tang, giỗ, tục kính Trời và Thần đêm giao thừa, tục xuất hành hái lộc, tục thờ kính tổ tiên ngày Tết... Tất cả được tác giả đào sâu, phân tích tầm nguyên những ý nghĩa của chữ Hán của khái niệm cho đến những ứng dục thực tế của nó trong dân gian.
Bộ sách sẽ là kho tàng tư liệu quý để người đọc có điều kiện hiểu sâu hơn về lễ nghi, thờ cúng, phong tục tập quán tự ngàn xưa của dân tộc Việt vẫn còn được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.