Một quyển sách hơn 10 năm thực hiện, từ khi hết đời sinh viên sư phạm cho đến khi làm cha của tác giả. Vì lý do đó nên dù sở hữu gương mặt rất trẻ ngỡ như đang độc thân, đại từ nhân xưng “tôi” được sử dụng cho bài viết này.
"Quyển sách đầu tiên, quyển sách thứ tư, có thể cũng là quyển cuối cùng.
Tôi gọi nó là quyển đầu tiên vì nó được phát triển từ quyển “Toán học kỳ thú” mà tôi tự xuất bản và phân phối vào khoảng năm 2012, 2013, không rõ ngày tháng, chắc là 30 tháng Hai, dày 128 trang màu, khổ to như một quyển tạp chí. Tôi nhớ khá rõ những người bạn nào của mình đã đặt mua quyển sách đầu tay này.
Tôi gọi nó là quyển thứ tư vì nó được phát hành sau ba quyển “Tỉ lệ vàng”, “Chữ số và Thế giới” và “Tóm tắt kiến thức toán phổ thông”. Trừ “Tỉ lệ vàng”, tất cả đều được bảo kê xuất bản bởi Nhã Nam.
Tội gọi nó là quyển cuối cùng vì có thể sẽ không còn quyển mới nào sau đó. Cố lắm thì chắc cũng chỉ là quyển “Tỉ lệ vàng” được làm mới lại và một quyển dịch tiểu thuyết đồ họa. Cứ như một nghịch lý vòng lặp thời gian, quyển cuối cùng lại là khởi đầu cho những quyển trước đó, khởi đầu cho nghề tay trái viết lách với đồng lương còm cõi ít ỏi.
Về mặt kỹ thuật, vẫn chẳng có gì thay đổi cả, “Toán học kỳ thú” là sản phẩm từ Adobe Indesign, trải dài từ phiên bản CC đời đầu cho đến hiện tại. Tôi tin là có lẽ trên cả vùng đất hình chữ S: này, không còn có người nào khác biên soạn sách ít nhiều liên quan đến toán bằng Indesign. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách lâu có mặt trên thị trường vì hai bên tác giả và biên tập không có điểm chung nào trong khâu thiết kế dàn trang.
Về mặt nội dung, “Toán học kỳ thú” bao phủ rất rộng các khía cạnh ít được biết đến trong toán học, đúng như cái tên phụ của nó là “Bạn biết bao nhiêu về toán?”. Bản thảo ban đầu của sách dày hơn 700 trang nhưng nay chính thức chỉ còn 557 trang.
Tôi thấy mình như một người nhân viên văn phòng trong lúc tìm lục các trang giấy thừa mới được in ra từ máy photocopy đã bị chúng cứa vào tay để lại các vết cắt tuy nhỏ nhưng sát thương cao.
Có gần 200 vết cắt như vậy.
Bỏ thương vương tội, dù không muốn nhưng một quyển sách toán để dày quá sẽ khiến phần đông độc giả choáng dù không có tác động vật lý hay sách rơi từ trên kệ xuống đầu. Mà choáng váng thì khiến người ta ngại chi tiền sắm về.
Sách được viết theo lối diễn giải văn xuôi, giảm đến mức tối thiểu nhất có thể trong việc sử dụng các công thức/phương trình toán học.
Sách gồm 93 bài viết được chia làm 5 chương. Mỗi một bài viết đều ít nhiều liên quan với nhau và hiển nhiên có những bài độc lập. Chính vì đặc tính tập hợp nhiều bài viết riêng lẻ mà trong khoảng thời gian đằng đẵng chờ duyệt xuất bản, đầu tôi bỗng nảy số rất nhanh rằng mình cần phải làm một điều gì đó khiến quyển sách thật khác biệt, khác về nội dung cũng được, khác về thiết kế cũng được, miễn sao chưa có ai làm, giống như hai quyển sách đàn anh trước đó của nó.
Vốn là một người mê chơi game và điện ảnh nên tôi say mê để ý đến các chi tiết gợi nhớ, sự liên kết, mối quan hệ nhân quả/thời gian của các sự kiện,... mà nói dễ hiểu ra là những chi tiết thú vị tựa như các Easter Egg - thuật ngữ dùng để chỉ một chi tiết cụ thể, một điều mê đắm, bí ẩn hay thú vị mà tác giả đã giấu đi một cách hết sức tinh tế trong nội dung để tăng độ kích thích cho người chơi hay người xem. Chúng thường xuất hiện và biến mất rất nhanh ở một vị trí nào đó mà ta phải để ý kĩ lắm mới biết được, phải vận dụng cả về trí thông minh lẫn đôi mắt tinh tường.
Một trong những Easter Egg của quyển sách mà tôi cài vào là ở Bảng thuật ngữ cuối sách. Khi tra thuật ngữ “Vòng lặp vô hạn”, bạn sẽ thấy nó sẽ chỉ đến trang 552, đó cũng chính là trang mà thuật ngữ này ngự trị. Điều này tạo nên đúng một vòng lặp vô hạn, như chính bản thân thuật ngữ này đang mô tả. Tất nhiên, để tăng sự tinh tế, tôi cố gắng không sử dụng thuật ngữ này ở bất kỳ nơi nào khác trong sách, chỉ vì muốn đảm bảo một điều rằng nó phải trỏ về một nơi duy nhất, nơi mà thuật ngữ “Vòng lặp vô hạn” cư ngụ.
Cái Easter Egg này không phải do tôi nghĩ ra, tôi bắt gặp nó trong một bài post trên Instagarm về một quyển sách nào đó mà tôi không nhớ rõ tên. Nó đã cho tôi một ý tưởng, gây nên trong tiềm thức nơi tôi là mình cũng sẽ áp các Easter Egg do mình nghĩ ra vào chính tựa sách của bản thân.
Thật lạ là cái nhiệm vụ phụ này nó còn gây hứng thú cho tôi nhiều hơn nhiệm vụ chính là viết sách. Tưởng tượng thì phê pha nhưng thực hiện thì nhiêu khê phiền toái. Cài cắm Easter Egg đã tạo nên một chuỗi dây chuyền các thay đổi từ nội dung đến hình thức theo cách mà tôi không hề mường tượng được lúc ban đầu.
Lắm lúc đã muốn bỏ cuộc nhưng thôi đành nhịn, cố đấm ăn xôi bởi chỉ làm có một lần. Với lại mấy khi có cơ hội, tôi tin chắc chắn là chưa từng có ai gàn dở làm cái điều mà tôi đang làm. Hơn nữa, nếu như là “Chữ số và Thế giới”, “Tỉ lệ vàng” hay “Tóm tắt kiến thức toán phổ thông”, các tựa sách trước đây của tôi, việc cài Easter Egg là bất khả thi bởi nội dung của chúng là liền mạch liên tục, không có cách nào làm được.
Tôi tin là số phận đã buộc “Toán học kỳ thú” phải có Easter Egg, phải có đặc tính này bởi như đã nói, nội dung của nó là tập hợp nhiều nhiều bài viết riêng lẻ liên đới với nhau không nhiều thì ít, rất phù hợp để dùng EE."