“Ngoài một số chỉ dẫn được R. P. Cadière đưa ra vào năm 1902, G. Dumoutier vào năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh vào năm 1935 và G. Cordier vào năm 1940, thì theo như tôi biết, chưa có bất kỳ tác phẩm nào khai thác chủ đề trò chơi của trẻ em An Nam. Để khắc phục thiếu sót này, tôi thấy dường như đã đến lúc làm cho người An Nam điều mà ta từng làm cho các dân tộc khác, nghĩa là cung cấp, dẫu không phải một nghiên cứu có hệ thống về các trò chơi, thì ít nhất cũng là một tư liệu đưa lại ý niệm tương đối về các hoạt động của trẻ em.
Tại thành phố, trong lúc trẻ em chơi bi, bóng nhỏ, bóng lớn, nhảy ô, nhảy cừu cùng một loạt các trò giải trí khác đến từ nước ngoài, thì tại vùng quê, các bé trai và các bé gái lại có những thú vui mang bản chất khác hẳn. Chính nhờ các trò chơi thôn dã này mà ta hiểu rõ hơn tính chất các hoạt động của thiếu niên An Nam và các trò chơi ấy chính là đối tượng của tuyển tập này.”
Với những miêu tả chi tiết cùng những tranh minh họa đầy sống động, "Trò Chơi Của Trẻ Em Ở Bắc Kỳ" cuốn sách sẽ đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, tiếp cận với những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người An Nam xưa theo một cách thức đầy tự nhiên và lôi cuốn.
Lời giới thiệu của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng
Cuốn sách của Ngô Quý Sơn được biên soạn bằng tiếng Pháp, những năm đầu thế kỷ 20, có lẽ chủ yếu cho người Pháp và những người Việt biết tiếng Pháp đọc, tuy nhiên nó lại là tài liệu nghiên cứu văn hóa quý giá, với đối tượng là những trò chơi của trẻ em Bắc Kỳ, thời kỳ thực dân-phong kiến. Nếu đối chiếu với thực tế, thì các trò chơi này ít nhất còn tồn tại đến những năm 1970, còn như chúng tôi với tuổi thơ mình, thì hầu hết các trò chơi này biến mất và không được trẻ em chơi vào khoảng những năm 1975/1980. Tất nhiên việc thực hành các trò chơi này giảm dần ở tùy địa phương khác nhau. Ví dụ các trò phổ biến đến những năm 1970, như Chồng nụ chồng hoa, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, đánh chắt… thì thay đổi dần vài mẹo thuật, cũng như thay đổi đôi chút các câu đồng dao hát kèm so với năm mươi năm trước, cùng với sự tan vỡ của làng xã và quần cư đô thị kiểu thời Pháp thuộc, và thay thế bằng làng xã nông thôn mới với tính chất đô thị hóa, cũng như các thành phố được tổ chức và xây dựng khác hẳn trước. Đương nhiên quan hệ trong giới trẻ em cũng thay đổi hoàn toàn, tính cộng đồng trẻ em làng xã không còn nữa.
Trẻ em Việt Nam, trong các làng xã Bắc Bộ, là một cộng đồng thu hẹp, các làng đều tương đối giống nhau về cấu trúc xã hội và sản xuất nông nghiệp, nhưng khá khác nhau về tập tục và sự biệt lập trong sinh hoạt giữa làng này và làng kia. Ngay cả người lớn, cũng ít khi đi ra khỏi làng mình. Họ ở nhà, đi chợ làng, chợ xã, ra đồng, ra sông, rồi quay về. Trẻ em thì càng ít đi khỏi phạm vi này, chúng được gia đình và làng xã bao bọc. Một số ít học nghề, một số ít học chữ, còn lại đều chẳng học gì, mà sớm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình, và cuối cùng trở thành nông dân như cha ông. Trong làng, trẻ em chơi với nhau hằng ngày theo từng ngõ xóm, vào dịp lễ tết hội làng, chúng có thể tham gia những trò chơi chung. Tuy vậy, các trò chơi của trẻ em, hầu như ở Bắc Bộ, đều tương đối thống nhất, mặc dù chẳng có sự học hỏi tham khảo nào. Dường như trò chơi tồn tại cùng cuộc đời của chúng, có sẵn trong làng xã theo những trò nhất định, không quá nhiều, cũng không quá ít, và tăng dần độ khó theo tuổi tác. Đến tuổi có thể lập gia đình, nếu tảo hôn, nữ mười ba, nam mười sáu (theo tuổi âm, nữ thập tam, nam thập lục, tức là tuổi phát dục) chúng sẽ tự nhiên từ bỏ trò chơi. Thông thường, độ tuổi chơi của trẻ em nông thôn cũng chỉ từ lên bốn đến mười một, sau đó chúng phải tham gia công việc gia đình, chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, bắt cua, bế em, rửa bát… Hàng trăm năm, có lẽ hàng ngàn năm, đời sống làng xã này tồn tại và dường như bất biến trong xã hội phong kiến. Con người vẫn sinh lão bệnh tử, sinh ra, lớn lên, lập gia đình, rồi đóng vai trò nào đó trong gia đình, làng nước, rồi quy tiên, người nông dân xưa không thắc mắc về thân phận mình.
Chơi là hành vi tự nhiên của động vật, nhằm giải tỏa năng lượng thừa, gắn kết giống loài và tập săn bắn kiếm mồi, thông qua chơi mà học tập kinh nghiệm sinh tồn của thế hệ trước. Từ chơi đến trò chơi có khoảng cách do con người tạo ra, so với động vật. Nghệ thuật, thể thao và các diễn xuất khác chính là trò chơi ở đỉnh cao. Nhưng con người cũng là một thực thể tôn giáo, vì thế trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn mang tính tâm linh nhất định. Trong rất nhiều bài đồng dao, có nhiều nhận thức sơ khai về trời đất, ma quỷ, và các thế lực tự nhiên, cũng như rất có thể người lớn đã ấn những câu hỏi và những câu trả lời vào trò chơi của trẻ con.
Cuốn sách của Ngô Quý Sơn chủ yếu khảo tả các trò chơi phổ biến ở Bắc Bộ, cấu trúc đầu và cuối của một trò chơi diễn ra như thế nào, mà không đi sâu nghiên cứu lịch sử của nó, một việc có lẽ không thể làm được, vì trò chơi đã diễn ra tự nhiên qua đời này đời kia, không ai ghi chép thống nhất điều gì cả. Chúng tồn tại trong tâm trí trẻ con, trẻ con diễn xuất hằng ngày với chúng, không thắc mắc gì về chúng, coi như chúng sẵn có. Ngô Quý Sơn đưa ra một hệ thống về trò chơi của trẻ em Bắc Bộ như sau: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò giải trí khác, Các trò ma thuật, Các trò dùng lời nói, Những trò ức hiếp diễu nhại, và cuối cùng là các bài đồng dao. Trong hệ thống này, chúng ta thấy có những trò chơi dễ, không cần học hỏi gì cả, không cần phương tiện, nhưng khá nhiều trò chơi cần thực tập, cần sự trợ giúp của người lớn (ví dụ chơi diều, soạn bài đồng dao nào đó có ý nghĩa), lại có thể nhìn nhận trò chơi với lứa tuổi, ví dụ chơi quay, chơi sáo diều cần có thể lực và lớn một chút. Những điều này cho thấy, trò chơi ở làng xã xưa có tính xã hội nhất định và được người lớn trong làng xã tham gia ít nhiều cùng con cái mình, còn trẻ thường tự chơi, cơ bản không hạn chế, không kiêng kỵ, không làm mất an toàn cho bản thân, vì cũng có nhiều trò có thể chấn thương (ví dụ chơi đu, chơi quay, chơi nhảy ngựa, chơi diều).
Trẻ em là đối tượng khá tự do của làng xã, chúng chưa có nhiều nhận thức và khả năng hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và văn hóa chung, chúng cũng được gia đình làng xã bao bọc như thế hệ tương lai, mặc dù sự giáo dục dưới góc độ Khổng giáo thường khá nghiêm khắc.
Cuốn sách cung cấp những tư liệu quý, cụ thể về các trò chơi của trẻ em Bắc Bộ thời cuối phong kiến, chuyển sang xã hội hiện đại, thời mà Ngô Quý Sơn có thể nghiên cứu được những sinh hoạt đó.