Con người ta sống phải có chí hướng, có ước mơ, hoài bão rõ ràng, không chỉ là vì lợi ích cá nhân mà còn phải vì lợi ích của đất nước và xã hội. Lẽ sống của con người là lao động. Lao động không chỉ là phương tiện kiếm sống mà cao hơn thế, lao động giúp cho cuộc sống của con người có ý nghĩa. Con người là sinh vật xã hội, vì vậy con người ta phải sống trong đội ngũ, trong tổ chức khi còn trẻ và duy trì những mối quan hệ xã hội khi về già.
Khi viết Từ suối nguồn ra biển lớn, tác giả Hồ Quế Hậu tâm niệm: “Suối nguồn là điểm xuất phát của một cuộc đời để ra biển lớn với cộng đồng xã hội, đất nước và thế giới mênh mông. Con nước cứ lớn dần lên như cuộc đời dần rộng mở, mang đến cho mỗi người chúng ta niềm vui và hạnh phúc khi được sống và làm người có lao động, có ước mơ hoài bão và lý tưởng cao đẹp”
Nghĩ cho cùng đây cũng chính là một quan niệm về sống đẹp, biết sống. Điều này, không cá biệt riêng ai, bởi nói như nhà thơ Evtushenko:
"Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?"
Thông tin tác giả Hồ Quế Hậu
Tiến sĩ Hồ Quế Hậu, giảng viên thỉnh giảng Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng tác giả của cuốn Thơ và nhạc, Em và Anh.