Tôi nhớ hơn 20 năm về trước, nhà văn Bảo Ninh một lần ngồi uống cà phê nói: thơ như tiếng sấm vọng từ chân trời trong những đêm gần sáng. Tôi đã đọc hàng trăm định nghĩa về thơ của các nhà thơ, các nhà lý luận phê bình, triết gia… Đông Tây kim cổ nhưng định nghĩa thơ của nhà văn Bảo Ninh làm tôi chợt quay lại. Quay lại bất chợt như có ai gọi mình từ đâu đó. Rồi tôi nhìn về một chốn xa xôi có thể là chân trời. Một âm thanh mơ hồ từ xa tắp dội về và ngân vang. Sau đó, tôi đối chiếu cảm giác về tiếng sấm từ chân trời vọng lại lúc gần sáng mà tôi từng nghe rất nhiều lần trong đời với cảm giác ngay sau khi đọc những bài thơ hay và thấy hai cảm giác đó rất giống nhau.
Có những câu thơ, bài thơ vang lên dẫn chúng ta trở về quá khứ, chạm tới tương lai và phá vỡ những biên giới tưởng không bao giờ có thể thay đổi trong sâu thẳm con người mình. Đồng thời, nó dựng lên một không gian vô tận của cảm xúc, của lịch sử, của văn hóa và của cả số phận. Người đọc sẽ chọn lựa một hoặc tất cả những điều đó khi tìm thấy sự tương đồng giữa họ và bài thơ. Sự thật, nhà thơ không phải là dẫn người đọc đi tới điều bài thơ đi tới, mà đánh thức và gợi mở cho người đọc đi tới nơi chốn của cá nhân họ. Với tôi, quyền lực lớn nhất của một văn bản thơ là có khả năng đánh thức những văn bản khác của người đọc đang ẩn khuất đâu đó trong vô tận của tiềm thức. Chính vì vậy mà thơ ca thực sự mãi mãi là một quyền lực đầy tính huyền ảo.
Hãy nghe tiếng sấm trong đêm gần sáng. Bạn sẽ thức giấc trong bóng tối căn phòng và giống như một hạt cây, những mầm lá tơ non của cảm xúc, của suy tưởng bắt đầu mở ra và xòe rộng. Tất cả thật mơ hồ nhưng đầy tính xác thực.