Những năm gần đây, các tác phẩm nghiên cứu, ký sự về Việt Nam của những học giả người Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Các nghiên cứu về lịch sử, tín ngưỡng, tập tục, giải mã tâm lí đã dần lấp đầy bức tranh ghép về đất nước và con người Việt Nam trong mắt thực dân. Cuốn ký sự du hành của nhà thám hiểm, nhà địa lý J. L. Dutreuil de Rhins – Vương Quốc An Nam Và Dân An Nam sẽ là một mảnh ghép địa lý – khí hậu và một chút văn hóa – chính trị góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh ấy.
De Rhins đã khởi đầu sự nghiệp thám hiểm – địa lý của mình vào năm 1876 tại không đâu khác mà ở xứ An Nam, lúc này đã kí Hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp. Cuốn ký sự ghi lại những điều tai nghe mắt thấy và cảm nhận mang tính cá nhân của tác giả trong 9 tháng làm nhiệm vụ cho nhà vua An Nam, và sau đó, chính nhờ chuyến hành trình được ghi chép trong đây, tác giả đã giúp người Pháp vẽ lại một tấm bản đồ mới về Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1881. Với những quan sát và nhận xét tuy được nhìn qua lăng kính thực dân song vẫn có sự khách quan và chân thực nhất định của một nhà địa lý, cuốn sách là một tư liệu lịch sử có giá trị đáng để tham khảo.
Ý tưởng chính:
Đầu năm 1876, vua An Nam lúc bấy giờ là Tự Đức đã yêu cầu Pháp gửi năm thuyền trưởng điều khiển thuyến chiến người Pháp tặng An Nam, J. L. Dutreuil de Rhins, sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân và đã có vài năm kinh nghiệm đi biển đường dài, đã được Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chọn cho nhiệm vụ này. Vương Quốc An Nam và Dân An Nam là cuốn ký sự được ông thực hiện với tư cách là một nhà địa lý, ghi lại những quan sát và sự kiện ông gặp được trong 9 tháng làm nhiệm vụ tại xứ xở phương Đông này. Với 16 chương về từng giai đoạn của chuyến hành trình, tác giả cho người đọc một cái nhìn khái quát về địa lý, khí hậu cũng như đời sống xã hội xứ An Nam, đặc biệt là các địa phương ven biển thời bấy giờ.
Mục lục sách Vương Quốc An Nam Và Dân An Nam
Chương đầu tiên: Hạ Đàng Trong
Chương II: Tourane
Chương III: Khung cảnh xứ sở
Chương IV: Đồng bằng Huế
Chương V: Thành Huế
Chương VI: Các tỉnh miền
Trung An Nam
Chương VII: Dân cư
Chương VIII: Lần thứ hai ở Tourane
Chương IX: Lệnh Triệu tập đi Huế
Chương X: Phong tục
Chương XI: Tài trí của các quan
Chương XII: Đồn An Nam cuối cùng
Chương XIII: Quy định của nhà vua về hải quân An Nam
Chương XIV: Tết
Chương XV: Những ngày cuối cùng ở Huế
Chương XVI: Hiện trạng và tương lai của thương mại Đông Dương phía Đông