Với “39 cuộc đối thoại tri thức”, cuốn sách này tổng kết lại những cuộc đối thoại ám ảnh nhất mà tôi thực hiện trong 20 năm lao ra ngoài, làm báo. Không có cuộc nào trùng với “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” đã xuất bản 2 năm trước. Và sau cuốn này tôi không có ý định làm thêm bất cứ cuốn sách đối thoại nào nữa, dù vẫn đôi thoại với các nhân vật hằng tuần trên kênh YouTube cá nhân.
Tinh thần lớn nhất mà tôi hướng đến trong các cuộc đối thoại nói riêng và cuốn sách này nói chung là: Tri thức là để đối thoại, chứ không phải để áp đặt, và đây là lời giới thiệu cuốn sách, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn:
Tri thức là để đối thoại
Khi Copernicus phát hiện: “Trái Đất quay quanh Mặt Trời”, ông hiểu rằng mình sẽ không thể đối thoại với nhà cầm quyền, cho nên ông đã thòng theo mệnh đề: Đây chỉ là một giả thuyết. Nhờ mệnh đề thứ hai này, mà ông không chết. Đến lượt mình, Galileo Galilei biết nó không phải là giả thuyết, mà là chân lí. Ông cũng biết, nói ra sự thật đó sẽ không thể đối thoại với nhà cầm quyền. Biết rõ và biết chắc. Nhưng ông vẫn nói. Kết quả: Ông bị quản thúc cho đến lúc qua đời. Từ những gì đã diễn ra, Bruno biết chắc, lặp lại những gì Galileo đã nói cũng không thể đối thoại với nhà cầm quyền. Thế mà ông vẫn nói, và chỉ vì một câu nói, ông phải lên giàn hoả thiêu.
Từ nhiều chục năm qua, câu chuyện kinh điển của những Copernicus, Galilei, Bruno vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi như biểu tượng của những con người khát khao đối thoại. Có được đối thoại hay không là chuyện khác, nhưng về phần mình, họ luôn khát khao đối thoại, vì họ hiểu tri thức mà không đối thoại là tri thức chết.
Chúng ta may mắn và hạnh phúc hơn tiền nhân, vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà loài người tôn trọng sự đối thoại, và hạn chế đối đầu. Tuy nhiên, người ta thường dễ đối thoại với những người giống mình và khó đối thoại với những người khác mình. Muốn đối thoại với những người khác mình, chúng ta bắt buộc phải thay đổi một “tiên đề” trong não trạng: “Tôi luôn luôn đúng!” Nếu ta nghĩ rằng mình luôn luôn đúng, cái mình cho là đúng là bất di bất dịch, không thể thay thế thì chúng ta sẽ không thể đối thoại, hoặc chỉ có những đối thoại giả tạo mà thôi.
Làm thế nào để thay đổi những “tiên đề” trong não?
Làm thế nào để có đối thoại thực chất, thay vì đối thoại giả tạo?
Đấy là hai điều tôi trăn trở nhất trong gần 20 năm làm nghề báo, và gắn bó đặc biệt với thể loại đối thoại báo chí. Sau này, khi không làm báo nữa, tôi vẫn thực hiện nhiều cuộc đối thoại trong đời sống hoặc trên kênh Youtube cá nhân. Có những người mà càng đối thoại với họ tôi thấy não mình càng sáng ra. Có những người mà càng đối thoại với họ tôi càng thấy họ bám chấp và cực đoan hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Với những người cực đoan, thực lòng, tôi thấy giữa mình và họ có rất nhiều khác biệt. Nhưng ngoại trừ khoảng 5 năm đầu làm nghề, càng về sau tôi càng học được cách tôn trọng sự khác biệt. Và sau khoảng 8 năm làm nghề tôi nhận ra một sự thực thú vị vô cùng: bất chấp mọi khác biệt, khi ta đối thoại với một người là một lần ta có cơ hội phiêu lưu vào trong đầu người ấy.
Tôi không thích du lịch. Không thích đi phượt. Không thích phiêu lưu ở hết cung đường này đến cung đường kia. Vì thế chăng mà tôi đặc biệt yêu thích những cuộc phiêu lưu vào trong đầu người khác, sống cùng những ý nghĩ, những bước chân, những con đường được định hình ở trong đầu người khác.
39 cuộc đối thoại tri thức là 39 cuộc phiêu lưu như thế. Xin cảm tạ 39 bộ óc đã rộng lòng mở ra 39 cánh cửa để cho tôi được phép bước vào. Với những cuộc phiêu lưu trên những cung đường, chúng ta có thể bắt gặp một cảnh vật, một hiện tượng nào đó khiến mình phải trầm trồ, còn với những cuộc phiêu lưu trong đầu người, chúng ta cũng luôn có thể bắt gặp những vỉa quặng tri thức khiến mình sửng sốt. Trong 39 cuộc đối thoại này có không ít những vỉa quặng làm tôi sửng sốt như thế. Thi thoảng tôi lại nhớ về những vỉa quặng đó, và cứ mỗi thời điểm trong cuộc đời, tôi lại phát hiện ở nó những đặc tính khác nhau. Những lúc như thế tôi nhận ra: mình không chỉ được đối thoại với người khác, mà từ những vùng kiến thức của người khác, mình đang được đối thoại với chính mình.
Trở lại với những Copernicus, Galilei, Bruno, thật bi kịch khi các ông không thể đối thoại với những người cầm quyền trong thời đại của các ông, nhưng thật hạnh phúc khi các ông đã đối thoại trọn vẹn, tận cùng với chính mình! “Dẫu sao Trái Đất vẫn quay”, câu nói mang tính huyền thoại của Galileo chính là một cuộc đối thoại vĩ đại với hậu thế, và cũng chính là một cuộc đối thoại trác tuyệt với chính mình. Các ông đã chết, mỗi người một cách khác nhau, trong đó có những cách man rợ và tàn khốc, nhưng sau những cái chết ấy, tri thức vẫn tiếp tục được đối thoại.
Tri thức là để đối thoại, chứ không phải để áp đặt, bạn hãy đọc cuốn sách này với tinh thần như vậy nhé!