Ấn Bản Phổ Thông: Tạp Chí Phương Đông (Nguyệt san Phương Đông 47 số)
Sau hơn hai năm bắt tay thực hiện trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, cuối cùng bộ Nguyệt san Phương Đông với 47 số cũng hoàn thành. Phương Đông sẽ mở đầu cho dòng Ảnh ấn báo chí Việt Nam xưa của TVHQ. Rất mong quý bạn đọc và quý thiện hữu gần xa hưởng ứng công tác của Thư viện.
“Phương Đông ra số đầu tiên vào tháng 7/1971, kết thúc ở số 47, tháng 5/1975. Do Hoàng Sỹ Quý làm chủ nhiệm, và từ số 5 trở đi ông kiêm luôn chủ bút. Đội ngũ cộng tác thường xuyên có Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Thọ, Lê Văn Siêu, Nhất Thanh, Toan Ánh, Bình Nguyên Lộc, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Đồng Di, Hoàng Văn Đức, Kim Định, Siêu Thiền, Mãn Giác,… Phương Đông là tờ nguyệt san ra hàng tháng, thỉnh thoảng có số đôi ra hai tháng, mỗi số trung bình 80 trang. Phương Đông chia mỗi nửa năm thành 1 tập, gồm 6 số với số trang trung bình 450-500 trang. Cuối mỗi tập đều có Mục lục toàn tập. Bắt đầu mỗi tập lại đánh số trang từ đầu. Tính tổng cộng được 3.768 trang/47 số. Phương Đông có đến 129 tác giả tham gia viết 619 bài. Nếu trừ khoảng 100 bài có tính chất điểm tin thì còn trên 500 bài, đều là những bài viết công phu cẩn trọng với dung lượng vừa phải không quá 10 trang. Phương Đông có 9 số chuyên đề, đa phần ra số đôi, hoặc ra hai-ba kỳ liên tục cho một chuyên đề”.
Phương Đông được TVHQ đóng thành 8 tập có Lời giới thiệu của Lãn Văn đặt đầu tập 1, và bộ Tổng mục lục do Hồng Ngọc soạn đặt cuối tập 8.
TVHQ phát hành Phương Đông với hai ấn bản:
ẤN BẢN PHỔ THÔNG PHƯƠNG ĐÔNG: 4.2tr/bộ
Bộ 8 quyển, bìa cứng, ép kim 3 mặt, tờ gác in.
ẤN BẢN CAO CẤP PHƯƠNG ĐÔNG: 6.2tr/bộ
Ấn bản cao cấp nhũ vàng: Bộ 8 quyển, bìa cứng, ép kim 3 mặt, mạ vàng 3 cạnh sách, tờ gác thủy ấn được nghệ nhân Thư viện thực hiện thủ công với màu nhập trực tiếp từ Hoa Kỳ.
Ấn bản cao cấp thủy ấn: Bộ 8 quyển, bìa cứng, ép kim 3 mặt, thủy ấn 3 cạnh sách, tờ gác thủy ấn được nghệ nhân Thư viện thực hiện thủ công với màu nhập trực tiếp từ Hoa Kỳ.
.....
Mạn Đàm Về Nguyệt San Phương Đông
Phương Đông ra số đầu tiên vào tháng 7/1971, kết thúc ở số 47, tháng 5/1975. Do Hoàng Sỹ Quý làm chủ nhiệm, và từ số 5 trở đi ông kiêm luôn chủ bút. Đội ngũ cộng tác thường xuyên có Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Thọ, Lê Văn Siêu, Nhất Thanh, Toan Ánh, Bình Nguyên Lộc, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Đồng Di, Hoàng Văn Đức, Kim Định, Siêu Thiền, Mãn Giác,… Phương Đông là tờ nguyệt san ra hàng tháng, thỉnh thoảng có số đôi ra hai tháng, mỗi số trung bình 80 trang. Phương Đông chia mỗi nửa năm thành 1 tập, gồm 6 số với số trang trung bình 450-500 trang. Cuối mỗi tập đều có Mục lục toàn tập. Bắt đầu mỗi tập lại đánh số trang từ đầu. Tính tổng cộng được 3.768 trang/47 số. Phương Đông có đến 129 tác giả tham gia viết 619 bài. Nếu trừ khoảng 100 bài có tính chất điểm tin thì còn trên 500 bài, đều là những bài viết công phu cẩn trọng với dung lượng vừa phải không quá 10 trang. Phương Đông có 9 số chuyên đề, đa phần ra số đôi, hoặc ra hai-ba kỳ liên tục cho một chuyên đề.
Tinh thần-ánh lửa-âm điệu chính là nguồn sinh lực sâu kín, liên tục và mạnh mẽ luôn tồn tại chi phối mọi sự phát triển xã hội. Phương Đông tỏ ra hợp lý và nhân văn khi đã đặt mục tiêu xây dựng-thắp sáng-hợp xướng xã hội trên nguồn sinh lực ấy. Để đạt mục tiêu Phương Đông phải có đường lối hành động. Phương Đông có đường lối 3 vế: SƯU TẦM-PHÂN TÍCH-SÁNG TẠO. Thực ra, chính là khai triển từ mô hình hai vế: ÔN CỐ-TRI TÂN hay GÌN GIỮ NÉT XƯA-PHÁT HUY VỐN CŨ.
Đây có thể xem là mô hình tất yếu của sự phát triển. Ở quốc gia nào, vào thời nào việc “ôn cố” được thực hiện một cách nhiệt tình nghiêm túc thì ở quốc gia đó, thời đó trở nên thịnh trị; Và ngược lại, thịnh thế của một quốc gia đều chú trọng đến việc “ôn cố”. Muốn “tri tân” không thể tách rời “ôn cố” và “ôn cố” mà không “tri tân” thì việc “ôn cố” chỉ là tinh thần hoài cổ thuần túy. Đây là mô hình phát triển đã được cha ông tổng kết mà Phương Đông dường như đã nhận thức rất rõ. Nó cũ, nhưng nó vẫn có điểm mới, mới bởi Phương Đông đã thấy nó rõ hơn, gọi tên nó một cách cụ thể hơn. Bước PHÂN TÍCH chính là đóng góp của Phương Đông. Mục đích của sự phân tích là tổng kết ra những tiêu chuẩn, những quy phạm mà từ đó sự SÁNG TẠO mới có đủ nền tảng để THẮP SÁNG.
Gọi mình là Phương Đông, những người chủ xướng đã đặt Phương Đông trong sự tương chiếu với Phương Tây, về sự khác biệt và tương đồng triết lý/ tinh thần giữa đông phương và tây phương. Phương Đông đào xới lại cái cũ trong tinh thần mới và trong sự chiếu soi của phương tây, để từ đó những gì thực sự là của phương đông, của Việt Nam được hiện ra.
Không biết được sức mạnh của mình thì có cũng như không, giống như đứa con nhà giàu mà tưởng nhà mình nghèo. Cái điều đó nó đúng ở cả phương diện vy mô và vỹ mô. Đất nước ta, do không nhận thức được nguồn sinh lực nào đã dẫn dắt tinh thần Việt Nam đến chỗ thăng hoa thịnh trị nên đã do dự khi đối diện với những trào lưu tư tưởng mới, thậm chí đi mượn cả hệ tư tưởng của tha nhân để dẫn dắt sự phát triển của quê hương mà chưa hề được thước đo lịch sử kiểm nghiệm.
Vì đâu nên nỗi! Do chúng ta không có một tinh thần PHÂN TÍCH cẩn trọng, đủ nghiêm túc để tìm ra được nguồn sinh lực ấy. Học thuật Việt Nam những năm 1965-1975 đã tỏ ra đủ nghiêm túc. Nhưng tiếc là hoa chưa kịp kết trái. Trái là ứng dụng vào đời sống dựa trên kết quả của học thuật đã đạt được. Phương Đông với 5 năm tồn tại ngắn ngủi, cũng chưa thể nào có cái kết trái về mặt xã hội. Có lẽ, trái ngọt về nhận thức ảnh hưởng từ khi ấy đến giờ là niềm an ủi lớn của Phương Đông.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nay đọc lại Phương Đông, ta lại tiếp tục quá trình ôn cố tri tân. Phương Đông có nhiều bài đề cập tới những vấn đề triết lý cao sâu như: Dịch lý và phương pháp suy luận nhịp tư của Nguyễn Văn Ba; Căn bản triết học và khoa học cho chủ trương tổng hợp Đông Tây của Bùi Duy Tâm. Sự đóng góp cần thiết của Ấn Độ cho tư tưởng thế giới ngày nay và cho riêng Việt Nam của Hoàng Sỹ Quý. Phương Đông có nhiều bài đi vào tìm hiểu phân tích những vấn đề cụ thể: Con cái với gia đình cổ truyền Việt Nam của Toan Ánh; Thầy đồ và trường học của Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề; Tục ăn trầu trên thế giới của Hoàng Sỹ Quý. Phương Đông có những số chuyên khảo giá trị về các chủ đề: Y lý, tôn giáo hay gia đình và dân số, giáo dục. Trong bất cứ khía cạnh nào, các tác giả của Phương Đông đều cho thấy sự thành thật trong dẫn chứng, sự cẩn trọng trong phân tích và sự tinh tế sáng tạo trong tổng hợp - đúc kết.
Các bài viết của Phương Đông quả thật THẮP SÁNG cho người đọc nhiều vấn đề. Khi đọc bài Võ Tây Sơn của Hồ Hữu Tường thì không những cái nội dung đặc tánh của võ Tây Sơn được trình bày đầy đủ mà khía cạnh tinh thần của võ Tây Sơn cũng được phân tích đúc kết một cách thấu đáo sáng tạo. Nét đẹp của võ Tây Sơn, tinh thần dân tộc hiện ra một cách thuyết phục qua kiến giải của tác giả. Kiến giải ấy thậm chí có thể quay lại bổ sung cho chính các tông sư và môn sinh của phái võ Tây Sơn trong việc rèn luyện của mình. Biết sức mạnh của mình sẽ làm cho mình mạnh hơn là vậy.
Việc phân tích tỉ mỉ thấu đáo và luận giải một cách thuyết phục chủ đề được khảo sát chính là sự SÁNG TẠO của Phương Đông. Những kiến giải ấy, tổng hợp ấy xứng đáng là một di sản trong nền học thuật mà sau này nếu tiếp tục nghiên cứu về chủ đề nào đó một cách nghiêm túc cùng nội dung kẻ hậu học không thể bỏ qua. Nhiệm vụ “tri tân” của Phương Đông được thực hiện trên mức đạt yêu cầu trong từng chủ đề mà nó đặt ra. Đó chính là đóng góp đáng kể của Phương Đông cho học thuật nước ta. Sở dĩ làm được như vậy vì các tác giả Phương Đông có đầy đủ nhiệt huyết của một người “ôn cố” nghiêm túc, đầy đủ tinh thần “tri tân” của một tấm lòng yêu nước, yêu nhân loại nồng nàn.
Ngày nay, ai cũng hiểu Việt Nam không thể đứng trên đôi chân văn hóa-tinh thần của nước khác, phương đông không thể đứng trên nền tảng của phương tây. Lịch sử hình thành của mỗi dân tộc mỗi địa phương đã định hình cho họ một tố chất, một chiều hướng riêng. Nhưng đáng buồn ở chỗ, chúng ta không dám đứng trên đôi chân của chính mình, vì chúng ta không có niềm tin vào nó, không tin là nó có đủ sức mạnh cho ta đứng vững hoặc giúp ta bật xa bật cao. Không tin là vì chúng ta không hiểu về nó, giống như đứa con nhà giàu không biết nhà mình giàu, nên cứ sống lầm lũi như người nghèo khó. Đó là lý do nên đọc Phương Đông, hướng tâm vào việc nghiên cứu Việt Nam và Phương Đông.
Phương Đông trong một chiều hướng nào đó được xem là suối nguồn, là nẻo về của tâm linh nhân loại, là cứu cánh hướng đi của nhân sinh. Nhưng đây là vấn đề ít được các tác giả Phương Đông chủ trương. Phương Đông luôn trong lập trường khai mở nguồn sinh lực của chính mình chứ không có óc địa phương áp đặt sức mạnh của nơi này cho nơi khác. Có thể Phương Đông đã hiểu rằng, nếu có sự đón nhận đông phương từ tây phương thì phải là sự chắt lọc tinh ba phương đông trong sắc màu văn hóa của phương tây. Đó cũng là một điểm đặc biệt trong chủ trương của Phương Đông.
Phương Đông với đường lối và chương trình hành động nhất quán, chuẩn mực, hấp dẫn đã quy tụ nhiều học giả tài ba và đầy nhiệt huyết tinh thần Á Đông đương thời. Có những chủ đề mà không phải những tác giả đó khảo cứu, luận giải thì khó có kết quả tốt đẹp như vậy được. Như khi đọc loạt bài Kinh dịch và nguyên lý suy luận nhịp tư của Nguyễn Văn Ba, người đọc tương đối dễ dàng nắm bắt một chủ đề triết lý đầy lý tính khô khan. Ấy là vì tác giả đã thấu triệt lĩnh vực mình khảo cứu, có kiến văn quảng bác để tham chiếu, lại có kiến giải khoa học và tinh thần đông phương thấm đẫm. Phương Đông chịu ảnh hưởng mật thiết tinh thần Hưng Giáo Văn Đông - phục hưng văn hóa và tôn giáo Phương Đông do chính chủ bút của Phương Đông là Hoàng Sỹ Quý đã khởi xướng từ năm 1968, với sự cộng tác của Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Bằng Đoàn, Nguyễn Bá Lăng…
Phương Đông đặc biệt ưu ái khảo cứu các tôn giáo phương đông (Nho, Phật, Lão) và các tôn giáo bản địa (Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa...) qua các bài viết xuất hiện định kỳ trên từng số và dành hẳn 3 số liên tục cho chuyên đề Bộ mặt tôn giáo ngày nay bên phương đông (số 23, tháng 5/1973; số 24, tháng 6/1973 và số 25, tháng 7/1973). “Tôn giáo là phần thâm thiết cao siêu nhất của linh hồn một dân tộc cũng như nhân loại” (Thạch Trung Giả). Phương Đông mời hẳn các cây bút uy tín của tôn giáo đó để viết về tôn giáo của họ. Đây quả là một tinh thần cởi mở khai phóng của học thuật giai đoạn 1965-1975 mà ngày nay chưa có được. Nếu ta biết rằng, người chủ xướng của Phương Đông Hoàng Sỹ Quý, vốn là một linh mục thì không khỏi có chút bất ngờ. Đọc Phương Đông người ta không thấy sắc màu kinh viện của tôn giáo nơi người chủ xướng, chỉ thấy sắc màu thuần nhất của sự tìm cầu chân lý, tìm cầu bản chất của đối tượng được khảo cứu. Ấy là bởi tính chất khai phóng của thời đại và tố chất của chủ soái. “Một lần kia bên Ý, mấy người bạn Tây giễu tôi: Mầy cũng là một Phật tử đấy. Và tôi đáp ngay: Đúng, tôi là Phật tử một cách nào đó, vì tôi không thể chối bỏ nguồn gốc của tôi. Phải, ít hay nhiều, tôi đương sống cái nguồn gốc đó! Tam giáo đã góp phần lớn vào việc tạo thành con người tâm lý sâu xa của tôi, và từ nền tảng ấy, tôi đã nhận lấy Ky tô giáo. Vậy nói cho đúng ra, tôi là một Ky tô hữu mang sắc thái Tam giáo. Và chỉ có thế, tôi mới đúng là một Ky tô hữu, bởi lý do đây là một đạo nhập thể, đạo của Thiên Chúa thành người” (Hành trình Tây Trúc mới của Hoàng Sỹ Quý). Một suy niệm thật minh triết. Tôn giáo xét cho cùng cũng là phương tiện đưa con người đến với chân lý. Chân lý mới là thượng đế đích thực của loài người. Chẳng trách, Hoàng Sỹ Quý có thể tập hợp được những cây bút thời danh xuyên suốt tạp chí Phương Đông.
Phương Đông như ngọn đuốc thắp sáng lên những ánh lửa, ánh lửa tình yêu quê hương Việt Nam, ánh lửa tinh thần đông phương, ánh lửa của sự minh triết, của niềm khát ngưỡng đối với tri thức chân chánh của độc giả thời bấy giờ. Nhưng Phương Đông tuổi đời quá ngắn ngủi, Phương Đông chết ngay ở cái tuổi thanh xuân rực rỡ trước biến cố của quê hương và nhân loại. Nếu còn chút dư quang nào giúp soi sáng cho nẻo đường hôm nay thì đó là niềm an ủi lớn nhất cho số phận bi thương của Phương Đông cũng như báo chí miền Nam ngày ấy.