"Nho giáo chiếm hơn phần nửa tập Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử. Phần của các tư tưởng khác ít hơn nhiều. Sở dĩ như vậy, vì dưới thời Nguyễn, Nho giáo là quốc giáo độc tôn, Nho giáo hay nói cho đúng hơn, những người theo Nho giáo triều đình chịu trách nhiệm chính trong việc mất nước.
Sách này chủ yếu nhằm chứng minh sự thất bại của Nho giáo trước hết trong cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc. Tất nhiên là các tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo...thế kỷ XIX còn có thể và cần phải nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn trong dịp khác".
"Một ý thức tư tưởng có thể và thường sống lâu dài hơn cơ sở xã hội và chính trị của nó, huống chi, dưới chế độ thực dân Pháp, triều đình Huế được duy trì, giai cấp địa chủ được củng cố làm chỗ dựa cho đế quốc thống trị.
Nhưng những tàn dư của hệ ý thức phong kiến trong mọi dạng biểu hiện của nó, dù là do bọn thực dân trực tiếp hay gián tiếp nhào nặn làm công cụ xâm lược, dù là do bản thân người Việt Nam đi tìm trong kho vũ khí tinh thần cũ của dân tộc xem có những món gì xưa mà có thể dùng được cho ngày nay, có thể dùi mài thêm, có thể chấn hưng lên để góp phần gây thành một sức mạnh chống thực dân, những tàn dư được nhào nặn, chấn hưng, dùi mài, sử dụng đó, xét cho cùng đều là những dạng thái khác nhau thuộc hệ ý thức tư sản"
Tập III được xây dựng dưới dạng lịch sử của phong trào cách mạng Việt Nam từ 1920 đến 1945. Ở đấy, các sự kiện, các giai đoạn lịch sử của phong trào cách mạng được nhìn ở góc độ tư tưởng là chính, lấy sự việc để trình bày và chứng minh tư tưởng, lấy tư tưởng làm đuốc rọi đường cho hành động cách mạng có ý thức càng ngày càng sâu và càng đúng
Ba khái niệm "thất bại", "bất lực", "thành công" nối tiếp nhau trên ba tập sách là tư tưởng chính của tác giả trong bộ lịch sử tư tưởng ba quyển này..."