Điểm nổi bật của cuốn sách mà người đọc dễ dàng nhận thấy là tính phong phú chuyên sâu của công trình với gần 500 lời dẫn chú thích rút ra từ hơn 250 nguồn tư liệu tham khảo tin cậy, bao gồm cả thư tịch cổ cũng như tài liệu thực địa, đặc biệt phần phụ lục chứa nhiều văn bản và bản đồ cổ hiếm quý, thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, công phu trong khoảng thời gian tương đối dài của người nghiên cứu.
Như một lữ khách trong chuyến du lịch văn hóa - sinh thái trên những trang sách, người đọc có thể dừng lại, theo dõi và thưởng thức những cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, hoạt động kinh tế đến từng chi tiết hiếu kỳ và hấp dẫn của mỗi địa điểm, trong chuỗi 12 hải cảng được chọn lọc miêu tả ghi nhận từ 19 cửa sông, nằm dọc theo bờ biển vùng Bắc Trung Bộ, bao gồm 4 cảng thuộc tỉnh Thanh Hóa, 3 cảng thuộc tỉnh Nghệ An và 5 cảng thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thực ra từ trước đến nay, đâu đó cũng đã từng có những địa chí, chuyên khảo mô tả về từng địa điểm hoặc từng nhóm địa danh trong cùng một địa phương. Nhưng có lẽ tác giả là người đầu tiên có tham vọng muốn kết nối tập hợp những cảng biển đó thành một cụm cảng, một chuỗi cảng để khảo sát và phân tích, qua từng thành tố riêng lẻ cũng như cấu trúc tổng thế. Đây có thể coi là một ý tưởng nghiên cứu mới lạ, đặc sắc.
Hy vọng rằng, cuốn sách sẽ mang đến cho quý vị độc giả những góc nhìn, những nhận thức mới về thương cảng Việt Nam trong lịch sử - một đề tài nghiên cứu phức tạp và thú vị.