Cành Vàng là một trong năm tác phẩm kinh điển của ngành văn hóa học theo thuyết tiến hóa trong văn hóa. Sách nghiên cứu văn hóa nhân loại thời kỳ chuyển đổi từ tín ngưỡng sang tôn giáo, từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo dưới cái nhìn khoa học, kéo theo những thay đổi trong phong tục tập quán, lối sống.
Sẽ là bổ ích nếu con người ngày nay tìm thấy trong cuốn sách, nơi biểu hiện sinh động và đầy đủ bước chuyển biến thứ nhất của tư duy con người, những bài học hay một niềm hi vọng soi sáng cho chặng đường tiếp theo mà con người đang đi. Hình như cũng sẽ có một chặng đường dài dặc như thế với những câu chuyện đáng buồn khác về sự cố thủ và nỗi ám ảnh của những bóng ma quá khứ. Có hay không một tương lai gần cho sự thắng thế của khoa học, ở cái bước chuyển thứ hai từ tôn giáo sang khoa học mà có lẽ giống như trước, triết học vẫn được xem như một thứ dung môi? Rằng màu sắc của tấm vải tư tưởng con người được dệt bằng các màu sắc đen, đỏ, trắng tương ứng với các loại hình tư duy ma thuật, tôn giáo, khoa học, theo cách liên tưởng của tác giả, sẽ thay đổi như thế nào, có mở ra một chân trời sáng láng hay đắm chìm trong màu đỏ nhức nhối? Nếu như chúng ta thử hình dung vào thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp, Archimedes đã tự tin và vui mừng “eureka” mà rằng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái đất”; đến thời Phục Hưng, G. Galilei vẫn thật quyết đoán: “Dù gì thì trái đất vẫn quay” để bảo vệ thuyết Nhật tâm của mình; thì đến A. Einstein của ngày hôm nay, hình như thái độ ấy đã là “tương đối” khi nhận thức rằng: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”... Chúng ta vẫn nằm trong vùng tuyệt mù của bước chuyển thứ hai, J. G. Frazer nói như vậy và hình như thực tế cũng vẫn vậy. Chỉ có niềm tin của chúng ta có thể sẽ thay đổi...