26 bài viết trong “Chuyện làng tôi” của tác giả Cao Văn Hà chủ yếu là ký ức của tác giả về làng Đông Thái quê hương ông (làng Đông Thái, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Đó là ngôi làng cũng giống như bao làng quê khác ở đồng bằng Bắc bộ với lịch sử hơn 200 năm. Người làng Đông Thái vốn từ làng Nội Rối, xã Bảo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam lên lập nghiệp. Họ xuôi sông Cầu về định cư ở xóm chợ Bến, làng Đông Xuyên (xã Đông Tiến) để dễ bề buôn bán và làm ăn sinh sống.
“Chuyện làng tôi” phản ánh quá trình nghiên cứu đầy trách nhiệm của tác giả về tất cả các việc từ lịch sử, lệ làng đến lối làm, lối ăn, sinh hoạt văn hóa; đan xen vào đấy các mối quan hệ gia đình, họ mạc, làng xóm, bạn bè với những cảm xúc chân thành của người con quê hương. Nó có tác dụng truyền cảm hứng không chỉ cho người quê hương ông, mà còn đến người đọc nói chung đặc biệt là những người con xa quê.
Với tất cả tình cảm chân thành, tác giả tình nguyện là người viết sử làng bằng văn, ước mong được dân làng đón nhận cuốn sách như một tư liệu về làng, có thể lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau.
TÁC GIẢ Cao Văn Hà, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, người sáng lập “Mô hình khuyến học mới” và là Chủ tịch danh dự Quỹ “Ước mơ lớn” xã Đông Tiến, huyện Yên Phong. Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh.
NHẬN XÉT TIÊU BIỂU
Tôi gặp cuốn sách “Chuyện làng tôi” của Cao Văn Hà hệt như một mối duyên lành. Tôi tự hỏi điều gì khiến cuốn sách ấy lại thấm đượm tình quê đến thế? Giống như cách thưởng cốm làng Vòng không thể vội vàng mà phải từ từ nhâm nhi, Chuyện làng tôi khiến người đọc bỗng chốc muốn sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn. Phải chăng những gì càng bình dị, quen thuộc lại càng dễ len lỏi vào trái tim?