Cuốn sách Làng Lại Đà qua di sản văn hoá Hán Nôm gồm ba phần chính:
- Phần một giới thiệu về di sản Hán Nôm tại các di tích lịch sử, văn hoá của làng Lại Đà.
- Phần hai tập trung vào di sản Hán Nôm của các dòng họ “Tứ gia tiên tổ” trong làng, phản ánh sự đóng góp của các dòng họ, các thế hệ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng.
- Phần ba giới thiệu phần dịch nghĩa Địa bạ của làng Lại Đà bản giáp Gia Long thứ 4 (1805), kèm theo là các bản thống kê số lượng đất công và đất tư của làng Lại Đà, thống kê người bản thôn và người nơi khác có sở hữu đất ở làng Lại Đà.
Cuốn sách sẽ không chỉ là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm mà còn là một phương thức để lưu giữ, phổ biến và phát huy những di sản quý giá không chỉ của làng Lại Đà mà còn là của dân tộc Việt Nam. Đó là:
Thần tích thôn Lại Đà - bản chép trên bảng gỗ lưu tại đình làng;
Các sắc phong;
Các hoành phi, câu đối ở các di tích lịch sử của làng như đình, đền, chùa, nghè;
Di sản Hán Nôm của các dòng họ (gia phả; thư tịch; hoành phi, câu đối ở từ đường);
Địa bạ làng Lại Đà lập năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long thứ 4 triều Nguyễn (1805).
Trên cơ sở nhận thức được giá trị to lớn của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đình làng, tác giả Ngô Quý Bình - một người con của làng Lại Đà – đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách Đình làng Lại Đà. Cuốn sách thuộc “Tủ sách Di sản Văn hoá Việt Nam” do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành cùng với cuốn Làng Lại Đà qua di sản văn hoá Hán Nôm của cùng tác giả. Với Đình làng Lại Đà, tác giả tiếp tục đưa người đọc đến với hành trình tìm hiểu về một trong những di tích văn hoá đặc sắc của làng - Đình làng Lại Đà - nơi gắn liền với các nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người dân qua nhiều thế hệ.
Cuốn sách Đình làng Lại Đà gồm bốn phần:
Phần một giới thiệu tổng quan về đình làng Việt, làm nền tảng lí luận cho việc nghiên cứu đình làng Lại Đà;
Phần hai đi sâu vào lịch sử và niên đại của đình làng Lại Đà, khám phá các yếu tố liên quan đến vị trí, thế đất, hướng,... cũng như kiến trúc đặc trưng của công trình này qua các thời kì;
Phần ba làm sáng tỏ di sản văn hoá Hán Nôm của đình làng Lại Đà, góp phần nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của làng;
Phần bốn phân tích các cổ lễ và nghi thức được thực hiện tại đình làng xưa và nay, qua đó nhằm khôi phục và làm sáng tỏ những phong tục, tập quán đã từng là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng.
Với những thông tin phong phú và chi tiết, cuốn sách không chỉ giúp độc giả hiểu thêm về lịch sử và văn hoá của đình làng Lại Đà mà còn là một nguồn tài liệu quý giá cho việc phục dựng các cổ lễ truyền thống. Đặc biệt, cuốn sách còn góp phần quan trọng trong việc khôi phục và bảo tồn những nghi thức tâm linh, những lễ hội truyền thống xưa đã từng tồn tại ở đình làng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hiện đại. Những nghiên cứu của tác giả không chỉ có giá trị trong việc làm giàu thêm kho tàng sử liệu, mà còn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng và các nhà quản lí văn hoá trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể.