“Siêu Hình Học” là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Aristotle, nền tảng của triết học về nguyên lý đầu tiên, thần học và minh triết phương Tây. “Siêu Hình Học” của Aristotle không cố đưa ra lời giải thích về nguồn gốc của vạn vật, mà từng bước minh định toàn thể của mỗi cá thể trong vạn vật bằng cách lý giải tự tính, hiện thể, nguyên thể, biến dịch…của mỗi sự vật và hiện tượng. Phương pháp luận được đúc rút trong “Siêu Hình Học” của Aristotle không chỉ hữu ích với những người nghiên cứu triết học mà còn hữu ích với các nhà chính trị, nhà lập pháp, nhà điều tra, nhà sáng tạo sản phẩm, nhà nghiên cứu văn hóa và xã hội… và bất cứ ai muốn luyện lối tư duy truy vấn về bản nguyên của sự vật và sự việc.
Khi đọc kỹ “Siêu Hình Học” và tách biệt tác phẩm khỏi lớp giải thích của Kito giáo, ta sẽ nhận ra sự tương đồng trong cách lý giải vạn vật của Aristotle và Dịch học của văn hóa Á Đông
“Bàn Về Linh Hồn” của Aristotle luận giải sự quan hệ mật thiết giữa linh hồn và cơ thể, trái với quan niệm cho rằng linh hồn tách bạch với cơ thể hay linh hồn điều khiển cơ thể. Aristotle cho rằng linh hồn và vật chất có mối quan hệ tương quan với nhau, hay có thể nói là linh hồn sao thì vật chất vậy và ngược lại.
Aristotle thực hiện một sự phân loại các khía cạnh biểu hiện khác nhau của linh hồn bao gồm các giác quan, tâm trí, ý niệm, trí tuệ… và cách linh hồn tương tác với cuộc sống.
Trước nay, chúng ta thường nhầm lẫn giữa “biện luận”, “hùng biện” và “diễn thuyết”… từ đó dẫn đến sự phân tích và đánh giá sai tính khả tín của các diễn ngôn và văn bản. Mặc dù “Biện Luận” của Aristotle là một tác phẩm quan trọng trong phương pháp tư duy và biểu đạt, nhưng sự nhầm lẫn giữa “biện luận” và “hùng biện” hay “diễn thuyết” đã khiến tác phẩm bị hiểu theo chiều hướng thuyết phục niềm tin của người nghe.
Trên thực tế “Biện Luận” của Aristotle là một công cụ tư duy để truy vấn các luận điểm và biểu đạt thực tại thông qua ngôn ngữ. “Biện Luận” cần thiết cho bất cứ ai hoạt động trong ngành khoa học thông tin, báo chí, truyền thông, nghiên cứu, pháp luật. Và mỗi sinh viên, dù ở ngành học hay cấp bậc nào, cũng cần biết cách “Biện Luận” để thực hiện các tiểu luận, luận văn, luận án nghiên cứu có giá trị. Cuốn sách đặc biệt hữu ích trang bị công cụ tư duy cho những ai không muốn bị thao túng tâm lý bởi các thuật ngụy biện thường thấy.
Cùng với “Biện Luận”, “Chủ Đề” là bộ công cụ tư duy quan trọng đặc biệt trong biểu đạt thực tại bằng ngôn ngữ (thông qua nói hoặc viết). “Chủ Đề” đưa ra một loạt các chỉ dẫn về cách chúng ta “định nghĩa”, “suy luận”, “diễn đạt”… sự vật và sự việc, cũng như cách hình thành các luận thuyết.
“Chủ Đề” của Aristotle đặc biệt đi sâu giải thích khái niệm biện chứng và các phương pháp biện chứng. Bên cạnh đó, Aristotle cũng chỉ ra các lỗi lập luận và các ngụy biện thường thấy, từ đó hướng dẫn cách tránh rơi vào ngụy biện hay lập luận vòng quanh.
Luân lý học (Ἠθικὰ Νικομάχεια) là một trong những trước tác quan trọng bậc nhất của Aristotle, đóng vai trò nền tảng cho triết học đạo đức của phương Tây. Chủ yếu và trọng tâm của tác phẩm là một luận thuyết về Giáo dục Đạo đức.
Luân Lý học thảo luận đặc biệt về những phẩm chất nhân văn đáng ngưỡng vọng phù hợp với một cuộc sống của một cộng đồng văn minh có tổ chức, giúp một người trở thành một “công dân tốt” và xem xét cách những phẩm chất đó có thể được nuôi dưỡng hoặc tạo ra và phòng tránh những phẩm chất trái ngược.
Trong tư tưởng của Aristotle, để xây dựng một xã hội tốt đẹp, ông đã đưa ra một luận thuyết bao gồm 2 phần: phần đầu là Luân lý học và phần sau là Chính trị luận. Luân lý học nguyên văn tiếng Anh là Nicomachean Ethics, được người con và người kế vị trường Lyceum của ông biên tập lại từ các bài giảng của ông khi còn sống tại Lyceum.
Luân lý học ra đời vào lúc các trường phái triết học của Hy Lạp nở rộ với nhiều triết gia bàn về hạnh phúc và cách thức xây dựng xã hội. Tuy nhiên, Aristotle đã vượt lên trên các triết gia trước đó và cả nhiều triết gia sau này khi ông chỉ ra được bản chất thực sự của hạnh phúc và cách thức có được hạnh phúc.
Từ quan sát và đánh giá xã hội đương thời cũng như trước đó, Aristotle cho rằng hạnh phúc chính là điều tốt nhất và là mục đích cao nhất của con người. Và để có được hạnh phúc, con người cần tuân thủ sống theo các phẩm hạnh. Aristotle đã phân tích và lấy ví dụ tỉ mỉ về các loại phẩm hạnh cụ thể.
Thông Tin Tác Giả:
Aristotle(384-332 TCN) nằm trong số các triết gia Hy Lạp có ảnh hưởng sâu sắc nhất thế giới phương Tây, ngay cả khi một số các quan điểm của ông bị bác bỏ bởi khoa học hiện đại. Sự ảnh hưởng của Aristotle không nằm ở những kết luận ông đưa ra, mà nằm ở phương pháp luận luận của ông. Thay vì đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng để độc giả có thể yên tâm làm theo, ông đưa độc giả vào chuỗi biện luận chặt chẽ nhưng không xác định, để độc giả có thể “tự giải ảo” chính mình. Ông đề cao việc tự quan sát và đúc rút phương pháp của mỗi người và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể khác nhau hơn là đề xướng một chìa khóa tư duy vạn năng. Điều này ngược với nhận định quen thuộc rằng Aristote cổ xúy cho logic và coi logic là phương pháp luận thuần túy đúng.