Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: “Em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Andersen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng. Còn trứng nước, người độc giả tí hon thấy ở truyện Andersen cái thế giới tưởng tượng xa xôi có yêu tinh nhưng cũng có nàng tiên, và sớm biết rằng kẻ ác dù oai tợn đến đâu rồi cuối cùng cũng cứ lăn chiêng đổ nhào.
Lớn dần lên, tưởng tượng dồi dào hơn, bạn đọc sẽ thấy nhân vật là những người cố gắng vượt khó để tiến gần lên công lí và nhích tới chân lí.
Đứng tuổi rồi, bạn đọc sẽ thấy ở truyện ngắn bừng lên những kinh nghiệm về lẽ đời và đạo
người, thấy cái triết lí sinh động của sự sống, và cái lí giải chân xác về cuộc sống.
Ở người độc giả lớn tuổi, Andersen đã biết tỉnh gợi được lại cái phần hồn nhiên trong trắng vẫn đọng chìm, đánh thức lại những cái bồng bột chân chất của tuổi măng trứng để mà đối soi vào thực tế phiền phức.”
[...]
“Ông là nhà thơ của người nghèo mặc dầu những đức vua coi việc được bắt bàn tay gầy guộc của ông là một vinh dự.
Ông là ca sĩ bình dân. Cả cuộc đời ông chứng tỏ kho báu của nghệ thuật chân chính chỉ có ở trong tri thức của nhân dân và không ở nơi nào khác.
Thơ ca làm cho trái tim của nhân dân được no nê chẳng khác gì triệu triệu hạt bụi nước tí xíu làm bão hòa không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta nói vì thế mà không đâu có những cầu vồng rộng lớn và rực rỡ như ở đây.
Chúc cho những cầu vồng đó sẽ lấp lánh hơn như khải hoàn môn nhiều màu lắm sắc trên nấm mồ của người kể chuyện cổ tích Andersen và trên những khóm hồng bạch mà ông yêu mến.”
Hans Christian AndersenSinh (1805-1875) là tác giả lừng danh người Đan Mạch. Dù sở hữu gia tài sáng tác vô cùng phong phú từ kịch, du ký, tiểu thuyết đến thi ca, Andersen vẫn được nhớ đến nhiều nhất với tư cách người viết truyện cổ tích. Kho tàng truyện cổ đồ sộ của ông vượt mọi ranh giới tuổi tác lẫn quốc gia, được dịch ra hơn 125 thứ tiếng, trong đó có vô số truyện đã thành kinh điển, tạo cảm hứng cho biết bao vở vũ kịch, nhạc kịch, phim ảnh, truyền hình.