Bộ kinh Chu Dịch tính đến nay (theo ước lượng) đã có hơn 4500 năm tồn tại và phát triển. Chỉ tính riêng loại sách nghiên cứu, dịch và bình chú về kinh Dịch trên toàn thế giới hiện nay cũng đã lên đến “thiên kinh vạn quyển”. Cũng như ở Trung Quốc, kinh Dịch ở Việt Nam và các nước đồng văn khác được xếp vào hệ thống “Ngũ kinh” (gồm kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ, kinh Dịch và kinh Xuân Thu) và được dùng làm giáo trình chính thống để đào tạo nhân sĩ, trí thức trong các hàn lâm viện thời phong kiến. Ngày nay, kinh Dịch vẫn được đông đảo tầng lớp người đọc tìm hiểu, nghiên cứu và phong trào phát huy Dịch học trên thế giới vẫn ngày càng phát triển.
Cuốn Dịch học nhập môn này khởi điểm là một giáo trình được tác giả Nguyễn Duy Cần soạn riêng cho chương trình Triết Dịch của Đại học Văn khoa Sài Gòn và được hoàn thiện dần thành bản thảo. Nhà xuất bản Trẻ xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Dịch học nhập môn, đây là bản thảo nền tảng về kinh Dịch của tác giả Nguyễn Duy Cần giúp độc giả biết được “Dịch là gì?”, để từ đó trên nền tảng căn bản nhất này độc giả mới có thể dễ dàng đi vào các tác phẩm Dịch học tinh hoa, Chu Dịch huyền giải, Dịch kinh tường giải và Dịch tượng luận và Tử Vi bí kiếp của cùng tác giả.
Thu Giang Nguyễn Duy Cần tên thật là Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), nguyên quán: làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử… Ông còn là một học giả, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Sự nghiệp nghiên cứu và trước tác của ông bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên "Toàn chân", gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn. Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức việt nam.