Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng kể: "Tôi "đội gạo lên chùa" bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của mình. Có những chi tiết đời giúp tôi nhặt được: năm 1977 tôi bị nghi ung thư, nằm viện, có sư ông nằm cùng phòng. Sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, đi lính về thì vào chùa. Tôi rỉ rả tâm sự với sư cụ và chú tiểu, và tiểu thuyết là sự thu nhặt, gắn kết, đúc rút, tỉa gọt... từ tất cả".
"Đội gạo lên chùa" kể về một ngôi làng từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, nhân vật đều liên quan đến chùa làng, dù là vãi, tiểu, du kích, bộ đội, chức việc hay lính Pháp. Giặc khủng bố, ta ẩn nấp, giành lại đất đai rồi đem cải cách, đến lúc bom Mỹ dội xuống, bao nhiêu sự kiện, tâm thế đều diễn biến dưới bóng Phật. Câu chuyện dài của nhiều số phận nhân vật ở làng nghèo, với ngôi chùa là chỗ dựa của dân, trải bao thăng trầm lịch sử vẫn một lòng hướng thiện, mộ đạo, không khuyến hận sân si... Tác phẩm là cuốn sách cuối cùng tác giả viết, nằm trong mạch tìm lại cội nguồn văn hóa và căn cốt người Việt, cùng với Mẫu Thượng ngàn, nhưng khác với cuốn trước tìm về nguồn cội dân gian, Đội gạo lên chùa thành kính một tín ngưỡng quen thuộc mà theo tác giả, Phật giáo sẽ làm dịu lại những dương tính ngùn ngụt của một dân tộc phải liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh, để quay về với bản tính hiền hòa thuần hậu của vùng quê đồng bằng, như đất như nước, như mẹ như mẫu, và vững vàng trong tâm hơn, nhờ có Phật tính.