Đối Thoại Socratic 1
"Đối Thoại Socratic 1" tập hợp một số tác phẩm tiêu biểu của Plato, bao gồm Euthyphro, Socrates tự biện, Crito, Pheado. Ngoài ra, cuốn sách còn có những chú giải chi tiết và phần dẫn nhập của dịch giả Nguyễn Văn Khoa, tập trung vào những vấn đề lí luận trong Hi Lạp học nói chung và Socrates học nói riêng, như quan hệ phức tạp giữa Socrates và Plato, sự phát triển và suy vong của nền dân chủ Athens, nội dung và phong cách triết lí của Socrates. Mỗi dẫn nhập vào từng đối thoại nhằm nêu lên các vấn đề triết học đặc thù của nó, giúp cho việc tiếp cận các tác phẩm kinh điển này được dễ dàng hơn.
Plato sinh (472 - 347 TCN) là nhà triết học cổ đại Hi Lạp, sống cùng thời với nền dân chủ Athens. Plato là một trong những triết gia vĩ đại của một truyền thống vĩ đại, vốn đã sản sinh ra nền khoa học và triết học Tây phương: truyền thống triết học Hy Lạp. Như những mạch nước ngầm mãi chảy, tư tưởng của ông không ngừng được chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vũ trụ văn hóa này sang vũ trụ văn hóa khác; và sự chuyển trao ấy đã tạo nên những nguồn cảm hứng mới mẻ để chúng ta làm mới lại cách nhìn của mình về chính thế giới của mình. Các tác phẩm triết học của ông liên tục được phiên dịch, và phiên dịch lại, sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới, do đó, chúng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân loại.
“Socrates tin vào tôn giáo và Thành quốc, trên bình diện tinh thần và chân lý – còn họ, họ tin nơi mặt chữ. Các thẩm phán và Ông không đứng trên cùng một sân chơi. Giá mà Ông giải thích rõ rệt hơn, người ta đã có thể thấy ngay rằng Ông không tìm kiếm thần linh mới, không bỏ rơi các vị thần của Athens: Ông chỉ cho các thần ấy một ý nghĩa, chỉ giải thích các vị. Điều bất hạnh là thao tác này lại không vô tội đến thế. Chính trong thế giới của triết gia mà người ta cứu hộ được thần thánh và luật pháp bằng sự hiểu biết, và để bố trí sân chơi của triết học trên mặt đất, đúng là cần phải có những triết gia kiểu Socrates. Nhưng tôn giáo được giải thích, đối với kẻ khác, đấy là tôn giáo bị thủ tiêu, và quan điểm của họ về Ông chính là lời kết tội báng thần. Ông đưa ra những lý lẽ để tuân hành pháp luật, nhưng mà phải có lý do mới tuân thủ đã là điều quá đáng: có lý do này thì sẽ có lý do kia chống lại, còn đâu là sự tôn kính nữa. Điều mà người ta chờ đợi ở Ông chính là điều Ông không thể cho: nhắm mắt tuân hành không có lý do. Socrates, ngược lại, ra trình diện trước các thẩm phán, nhưng để giải thích cho họ Thành quốc là gì. Như thể họ không biết, như thể họ không phải là Thành quốc. Ông không bào chữa cho mình, Ông biện hộ cho chính nghĩa của một thành quốc biết chào đón triết học. Ông đảo ngược vai trò và nói với họ: tôi đâu có bào chữa cho tôi mà cho quý ông đấy. Rốt cuộc thì Thành quốc ở trong Ông, còn họ mới là kẻ thù của luật pháp, chính họ mới là kẻ bị xét xử, còn ông là quan tòa. Một sự lộn đảo không tránh được nơi Triết gia, bởi vì Ông biện chính cho cái vỏ ngoài bằng loại giá trị xuất phát từ bên trong”
(Trích “Socrates thành Athens, tên hành khất và bà đỡ”, Đối thoại Socratic 1, Plato)