Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường“bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?
Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường.
Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn… -
Nhận định về tác phẩm
“Cuốn sách của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc này có thể làm mọi độc giả phải rơi nước mắt.” - Library Journal
“Cảm động và ám ảnh.” - Newsday
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.” - Kirkus Reviews
“Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất Hàn Quốc từ trước tới nay này.” - Publishers Weekly
***
Thông tin về tác giả Shin Kyung-sook
Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. ShinKyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ, Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.
***
Trích "Hãy chăm sóc mẹ"
[...]
Cô treo tai nghe lên cổ rồi đi vào nhà vệ sinh để rửa tay. Mọi người trong đoàn nhìn theo cô khi cô sải bước vào nhà vệ sinh. Cô rửa tay trong bồn rửa và khi mở túi xách lấy khăn lau tay, cô nhìn chằm chằm vào lá thư đã nhàu nát của cô em gái gửi cho mình để ở bên trong. Đây là lá thư cô đã lấy ra từ trong hòm thư ở căn hộ của mình ba hôm trước, đúng vào ngày cô cùng bạn trai rời Seoul. Một tay cầm cái túi du lịch có gắn bánh xe, đứng trước cửa nhà, cô đọc tên cô em gái viết trên phong bì. Từ xưa đến giờ, đây là lần đầu tiên cô nhận được thư từ em gái. Mà đây còn là một lá thư tay chứ không phải email. Cô định mở bức thư ra xem nhưng nghĩ thế nào lại cất vào túi xách. Có lẽ cô nghĩ nếu đọc lá thư đó thì cô sẽ không thể lên máy bay với bạn trai mất. Cô bước ra khỏi nhà vệ sinh và lại ngồi xuống với cả đoàn. Nhưng thay vì đeo tai nghe lên, cô lấy lá thư của cô em gái ra cầm trên tay một lát rồi bóc phong bì thư.
Chị.
Hôm em tới chỗ mẹ ngay sau khi em từ Mỹ trở về, mẹ cho em một cây hồng nhỏ cao tới đầu gối em. Hôm đó em đến lấy đồ đạc gửi ở nhà mẹ. Mẹ bị té xỉu trong khu chứa đồ bên cạnh nhà kho, nơi cất giữ bếp ga, tủ lạnh và bàn ăn của em. Mẹ nằm sóng soài ở đó, chân tay rũ cả ra. Mấy con mèo nhà hàng xóm mà mẹ hay cho cơm đang ngồi xung quanh mẹ. Em vội vàng ra lay mẹ, mẹ mở mắt như thể vừa ngủ dậy, nhìn em và mỉm cười. Mẹ nói, “Đứa con gái thứ hai của tôi về rồi đây!” Mẹ bảo với em là mẹ không sao cả. Giờ thì em biết khi đó mẹ không còn tỉnh táo, nhưng mẹ vẫn khăng khăng rằng mẹ không sao cả. Rằng mẹ đang vào nhà kho để mang cơm cho mấy con mèo. Mẹ vẫn giữ nguyên xi mọi thứ em gửi trước khi em đi Mỹ. Ngay cả đôi găng tay cao su mẹ cũng không động đến, cho dù trước khi đi em đã bảo mẹ cứ dùng. Mẹ kể là trong một lần nhà có giỗ, mẹ đã tính dùng cái bếp ga xách tay nhưng rồi lại thôi. Sao mẹ lại không dùng? Em hỏi mẹ thế thì mẹ nói, Để khi con về, mẹ có thể trao lại cho con mọi thứ còn nguyên vẹn như khi con đi.
Khi em đã chất hết đồ lên xe tải, mẹ ngượng nghịu cầm một cây hồng đi vòng ra từ phía sau nhà, nơi mẹ cất giữ tất cả những chum gia vị. Rễ cây bọc một nắm đất đặt trong túi ni lông. Mẹ đã mua cái cây đó cho em mang về trồng ở khoảnh sân ngôi nhà em mới chuyển đến. Cái cây còn quá nhỏ, em tự hỏi không biết đến khi nào cây hồng này mới cho quả. Nhưng quả tình, em không muốn mang cây hồng về. Nói là nhà có sân nhưng đó đâu phải nhà của em, vả lại em cũng nghĩ không biết ai sẽ chăm sóc cho cái cây đó. Như đọc được ý nghĩ đó của em, mẹ bảo, “Con sẽ thấy cây hồng cho quả ngay thôi; đến bảy mươi năm còn trôi qua vèo vèo nữa là.”
Thấy em vẫn không định mang nó theo, mẹ bảo, “Như thế để khi mẹ không còn nữa, mỗi lần hái quả hồng là con lại nhớ đến mẹ.”
Dạo đó mẹ bắt đầu hay nói câu “Khi mẹ chết...” thường xuyên hơn. Chị cũng biết đấy, từ lâu rồi câu nói đó đã trở thành vũ khí của mẹ. Đó là thứ vũ khí duy nhất của mẹ khi con cái làm những việc mẹ không vừa lòng. Em không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi khi không tán thưởng việc gì, mẹ lại bảo, Đợi mẹ chết rồi hãy làm thế. Dù chẳng chắc liệu cây hồng nhỏ đó có sống sót được hay không, em đặt nó lên xe tải chở về Seoul rồi chôn gốc của nó xuống đất sâu tới đúng chỗ mẹ đã đánh dấu trên cây. Sau đó, khi lên Seoul, mẹ bảo em trồng cái cây sát tường quá, nên chuyển ra trồng chỗ khác. Từ đó mẹ thường xuyên hỏi em đã chuyển cái cây chưa. Em cứ bảo chuyển rồi, mặc dù chưa chuyển. Mẹ muốn em chuyển cây hồng ra cái khoảng trống rộng trong sân mà em đã dự định khi nào mua được ngôi nhà này thì sẽ trồng một cái cây thật to ở đó. Thực sự em không hề nghĩ mình sẽ chuyển cái cây non mới chỉ có hai nhánh, cao chưa chạm đến thắt lưng mình ra trồng ở chỗ đó, nhưng em vẫn trả lời, Vâng mẹ ạ. Trước khi mẹ mất tích, bỗng dưng ngày nào mẹ cũng gọi điện cho em mà hỏi, “Con đã chuyển cái cây ra trồng ở chỗ đó chưa?” Mỗi lần như thế em chỉ bảo, Hôm sau con sẽ chuyển.
Chị ơi. Phải đến tận hôm qua em mới cõng thằng út trên lưng ra bắt taxi đến So-orung để mua dụng cụ và phân bón thực vật. Em đào hố đúng chỗ mẹ chỉ rồi đánh cây hồng ra trồng ở đó. Em không thấy hối hận chút nào vì không nghe lời mẹ, chẳng chịu chuyển cây hồng khỏi bức tường, nhưng em thực sự ngạc nhiên khi đánh cái cây lên. Lần đầu tiên mang cây hồng lên đây, rễ của nó trơ trụi tới mức em cứ phải nhìn chăm chăm, nghi ngờ rằng đám rễ thậm chí không thể phát triển trong lòng đất, nhưng lúc em đào cái cây lên để chuyển đi, bộ rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất, đan cài vào nhau. Em vô cùng ấn tượng với sự sống bền bỉ của nó khi nó xoay xở tồn tại được trên mảnh đất cỗi cằn như thế. Có phải mẹ cho em cây hồng bé xíu là để em có thể chứng kiến tán lá của nó ngày một sum suê và cành nhánh của nó ngày một đan dày? Phải chăng mẹ có ý bảo với em rằng nếu muốn nhìn thấy cây đơm hoa kết trái thì phải chịu khó chăm sóc cho nó? Hay có lẽ chỉ đơn giản là vì mẹ không có tiền để mua cây to? Lần đầu tiên em thấy yêu thích cây hồng đó. Em không còn hoài nghi liệu cây hồng này có ngày cho quả hay không nữa. Em lại nhớ tới câu mẹ nói, “Sau khi mẹ đi rồi, mỗi lần cầm quả hồng lên ăn thì con sẽ nghĩ đến mẹ.”
Chị có nhớ có lần chị đã bảo em kể cho chị nghe những chuyện về mẹ mà chỉ mình em biết không? Em đã nói là em không biết gì về mẹ cả. Tất cả những gì em biết là mẹ đang mất tích. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Đặc biệt em không biết sức mạnh của mẹ ở đâu mà ra. Thử nghĩ mà xem. Những việc mà người khác không làm được thì mẹ đều tự mình làm cả. Em cho rằng vì thế mà mẹ ngày một cạn kiệt đi. Cuối cùng mẹ trở thành con người không tìm nổi nhà của bất kỳ đứa con nào của mình. Em thấy mình thật là lạ, mặc dù mẹ bị mất tích nhưng vì còn phải cho con cái ăn uống, chải đầu cho chúng và đưa chúng đến trường nên em đã không thể đi tìm mẹ. Chị có nói rằng gần đây em đã thay đổi nhiều, không giống với những người mẹ trẻ khác ngày nay, chị bảo một phần nhỏ trong em hơi giống với mẹ, nhưng chị ơi, dù gì đi nữa, em không nghĩ mình có thể giống được mẹ của chúng ta. Kể từ khi mẹ mất tích, em cứ nghĩ mãi, liệu mình đã là đứa con gái tốt của mẹ chưa? Liệu em đã làm được cho các con mình những việc mẹ đã làm cho em chưa?
Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ. Em cứ mong đứa út mau khôn lớn. Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kìm hãm cuộc đời mình. Khi nào đứa út lớn thêm một chút nữa, em sẽ gửi cháu đến nhà trẻ hoặc thuê người về trông cháu để em còn phải làm việc của em nữa chứ. Nhất định em sẽ làm như vậy. Vì em cũng phải có cuộc sống của riêng mình nữa. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm, và khi đó em mới biết rằng mình không thực sự hiểu mẹ. Dù chúng ta cứ nói là hoàn cảnh sống của mẹ khiến mẹ chỉ có thể nghĩ về chúng ta đi nữa, sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ, và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy. Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?
Chị...
Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.
Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ...
Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé...
Em gái cô chắc đã không thể viết ngày tháng hoặc lời tạm biệt ở cuối bức thư. Trên trang giấy có những vết ố hình tròn, có lẽ em gái cô đã khóc khi viết. Cô nhìn chằm chằm vào những điểm ố vàng ấy hồi lâu rồi gấp lá thư lại cho vào túi xách. Có khi trong lúc em gái cô đang viết thư thì đứa con út đã vơ lấy cái gì đó ở dưới gầm bàn cho vào miệng rồi ra túm lấy hông mẹ và cất giọng ngọng nghịu hát bài Gấu mẹ... rồi đu lên người mẹ. Cô em gái hẳn đã nhìn thằng bé với vẻ mặt u sầu rồi hát theo con, gầy gò! Đứa con trai nhỏ không hiểu được tâm trạng của mẹ nên cứ ngoác miệng ra cười toe toét, và nói, Gấu bố rồi chờ đợi mẹ phụ họa tiếp. Em gái cô nước mắt lưng tròng, đế lời con, béo ị! Có lẽ em gái cô đã không thể viết lời tạm biệt vì phải chơi đùa với con. Có lẽ đứa trẻ đã túm chặt lấy chân mẹ rồi cố leo lên nhưng rồi lại ngã lăn quay và bập trán xuống sàn nhà. Thằng bé sẽ khóc òa lên nức nở. Nhìn thấy vết bầm tím lan rộng trên làn da mỏng manh của đứa bé, có lẽ những giọt nước mắt cố kìm nén của em gái cô bỗng dưng trào ra.