Hoa Hồng Bất Tử - Rosa Luxemburg

Liên hệ: 84937481636 để nhận báo giá
Trạng thái: Chỉ còn 10 sản phẩm
  • Tác giả: Rosa Luxemburg
  • Hình thức: bìa mềm
  • Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ, 2022 

 

Hoa Hồng Bất Tử - Rosa Luxemburg

“Sinh ra trên đất Ba Lan
Mất đi trong nước Đức
Sống cho cả nhân gian
Thế giới là Tổ quốc”

Những câu thơ người biên soạn Trần Minh Tuấn đặt ở phần gần cuối sách gần như là một nét vẽ chấm phá nhưng khái quát được cả về thân thế và sự nghiệp của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg.

Rosa Luxemburg, sinh ra ở miền đông nam Ba Lan vào ngày 5 tháng 3 năm 1871, là một nhân vật nổi bật của phong trào xã hội chủ nghĩa cổ điển - một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà hùng biện sắc sảo và nhà lãnh đạo tiên phong của chính nghĩa vô sản. Nhà báo và sử gia xã hội chủ nghĩa nổi tiếng Franz Mehring từng gọi bà là “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx”. Người đồng đội và người bạn thân yêu của bà, Clara Zetkin, đã miêu tả bà là “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”. Ngay cả lãnh tụ Bolshevik, Vladimir Lenin, người vẫn thường phê phán những quan điểm mà ông cho là sai lầm của bà, cũng phải thừa nhận địa vị của bà như một "đại bàng" của phong trào Cộng sản.

Rosa Luxemburg là một người Do Thái, một phụ nữ Ba Lan, có quốc tịch Đức, khuyết tật về thể chất, bị phân biệt đối xử suốt thời đi học vì nguồn gốc của gia đình, nhưng những trở ngại đó không khiến bà chùn bước. Bằng con đường học tập miệt mài, và bằng các hoạt động thực tiễn, bà đã vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo tối cao của phong trào xã hội chủ nghĩa lớn nhất và mạnh nhất ở thế giới phương Tây. Trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng rực rỡ của mình, bà đã nhiều lần đụng độ các tầng lớp tinh nhuệ của quân đội Phổ và sánh ngang với Karl Kautsky, August Bebel, Victor Adler, và nhiều lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội khác. Là một người kích động chính trị, bà đã tập hợp quần chúng công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản và chiến tranh đế quốc, đồng thời thách thức chủ nghĩa chính thống của chủ nghĩa Mác với tư cách vừa là nhà lý luận vừa là người hướng dẫn tại trường đảng Dân chủ Xã hội ở Berlin. Sau khi bị những tên côn đồ thân phát xít sát hại vào tháng 1 năm 1919, Luxemburg đã được tưởng nhớ như một liệt sĩ cho cuộc cách mạng và là biểu tượng cho những đỉnh cao bi thảm của nước Đức trong thế kỷ 20.

“Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg” là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của bà, từ lúc bà sinh ra, bị căn bệnh hiếm gặp, đến lúc bà đi học, chịu nhiều thiệt thòi vì lý lịch gia đình, nhưng cuối cùng bà vẫn lấy được bằng tiến sĩ, tham gia vào các hoạt động cách mạng, trải qua các nhà tù khác nhau, và một cái kết bi thảm ở thời điểm mà tưởng như “cuộc chiến tranh chấm dứt mọi cuộc chiến tranh” sẽ mang về hòa bình cho toàn nhân loại. Tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, cho thấy một Rosa Luxemburg dù cô độc từ thủa nhỏ, bị bạn bè và thầy cô xa lánh, vẫn vươn lên như một cái cây mạnh mẽ và không để bị đốn gục trong phong ba bão táp, nhờ tình yêu thương của gia đình, nhờ vào việc đọc sách và sự chuyên chú học tập để hướng tới tự do.

“Gia đình Rosa tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu có về trí tuệ và tình yêu thương. Cả gia đình Luxemburg đều tuyệt đối tin tưởng rằng mọi người đều có thể thay đổi số phận của họ bằng sự học, bằng con đường giáo dục, như một truyền thống của người Do Thái. Mọi người trong gia đình đều có thói quen đọc sách, kể cả mẹ của Rosa, bà Line Lowebnstein. Đó là một điều không thường thấy đối với một phụ nữ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội thời bấy giờ”. Tư tưởng tự do trong bà bộc lộ từ thời bà còn nhỏ, với những lần định ra tay cứu người bị hành hạ do nạn phân biệt đối xử, viết thư chế nhạo vị hoàng đế của nước Đức khi ông đến thăm thành phố nơi bà đang sinh sống…

“Năm 1881, lúc Rosa đâu đó tầm 10 tuổi. Tâm trí non nớt của cô bé không thể giải thích tại sao, cũng không hiểu ai là ai, chỉ biết rằng đó là lần đầu tiên trong đời, cô bé tận mắt chứng kiến cảnh người Do Thái bị tàn sát. “Rosa có những thắc mắc không tìm được lời đáp. Tại sao người ta lại giết nhau, tại sao lại khiến cho người khác khổ đau, tại sao những người nghèo khổ luôn phải gánh chịu hậu quả bi thảm, tại sao không thể chung sống hòa bình, tại sao thế giới lại diễn ra những sự việc như vậy?

Tất cả những điều đó đã dần dần tích tụ trong tiềm thức của cô bé Rosa Luxemburg để hình thành một tinh thần phản kháng quyết liệt trước sự phân biệt giai cấp, trước bạo lực và chiến tranh…”

“Cuộc chiến của Rosa không phải là chiến tranh quân sự. Bà dùng ngòi bút thay cho bom đạn, bà dùng biểu tình ôn hòa thay cho bạo lực, bà dùng hình thức đình công thay cho đập phá. Cuộc chiến tranh thế giới đã dùng bom đạn và bạo lực để mang đến sự phá hủy, rồi cuối cùng để lại một thế giới hoang tàn và kiệt quệ. Còn cuộc chiến của bà đã dùng bút mực và tiếng nói để mang đến sự thức tỉnh cho xã hội, để rồi cuối cùng đặt nền tảng cho sự thay đổi và tiến bộ được diễn ra. Cuộc chiến tranh thế giới này là sự tranh giành của các quốc gia, vì quyền lực và tài nguyên. Còn cuộc chiến của bà là chiến đấu để phá bỏ những bất công giữa các giai cấp, vì tự do và hòa bình. Hai cuộc chiến đó đã cùng nhau xoắn vặn cuộc đời bà đến với những ngã rẽ không ngờ”

Không chỉ là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, Rosa Luxemburg còn được đề cập như một hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Cắt tóc ngắn, mặc quần áo thoải mái, từ chối những sự bó buộc mà phụ nữ thời bà phải cam chịu để mong có một tấm chồng tử tế, Rosa Luxemburg bỏ qua sự chỉ trích của dư luận, bởi “Nếu một người chỉ quan tâm tới cô vì mái tóc này mà không phải vì những thứ bên dưới mái tóc đó, là trí tuệ và tư duy của cô, thì người đó không đáng để cô mất thời gian”.

“Trong suốt cuộc đời mình, Rosa Luxemburg đã luôn đối mặt với sự phân biệt đối xử vì thuộc nhóm thiểu số. Cô là người Do Thái, và mặc dù không có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo, Rosa Luxemburg luôn bị chủ nghĩa bài Do Thái ảnh hưởng. Chưa từng thực sự kết hôn với ai ngoại trừ một lần kết hôn giả, Rosa đã có một đời sống yêu đương phong phú, một điều bị coi là mang tính khiên khích và mâu thuẫn với quy chuẩn đạo đức đương thời. Rosa Luxemburg có được bằng tiến sĩ vào thời điểm mà phụ nữ hiếm khi học tới đại học. Hơn nữa, cô cũng là một trong số rất ít nữ giới tích cự hoạt động chính trị. Mọt đặc trưng của thời kì này là định kiến chống lại việc phụ nữ theo đuổi sự nghiệp bên ngoài gian bếp” (Philip Degenhardt, Trưởng Văn Phòng Quỹ Rosa Luxemburg – Đông Nam Á tại Hà Nội viết trong lời nói đầu của cuốn Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg).

Tư tưởng, các tác phẩm và những lá thư mà bà để lại là một tài sản đồ sộ, mà cuốn sách chỉ là những lát cắt tiêu biểu để độc giả Việt Nam có thể hiểu thêm về một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất thế kỉ XX: Rosa Luxemburg.

zalo