Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương
NXB: NXB Đại Học Quốc Gia TP. HCM
Số trang: 249
Hình thức: bìa mềm
LỊCH SỬ HỌC LÀ GÌ? - Odanaka Naoki
"Như các bạn đã biết khoảng 10-15 năm trở lại đây giáo dục lịch sử ở Việt Nam đã trở thành một "điểm nóng" của dư luận xã hội. Những hiện tượng liên quan đến giáo dục lịch sử như: "hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử", "học sinh xé đề cương môn Sử", "học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em", BTV truyền hình nói "Ngô Quyền chiến thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng", một vị lãnh đạo nói "Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng", ... đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Mỗi lần xảy ra các hiện tượng đó, giáo dục lịch sử lại bị chỉ trích dữ dội. Gần đây nhất là cuộc tranh luận xung quanh hiện tượng học sinh không chọn môn Sử là môn thi tốt nghiệp THPT và việc nên dạy lịch sử một cách độc lập hay tích hợp. Các bên tranh luận rất hăng hái trên mọi diễn đàn. Nhưng dường như sự tranh luận đó giống như một sự cãi vã. Nó thiếu các chuẩn mực của tranh luận và các căn cứ học thuật cần thiết.
Ở Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây các sách lý luận về sử học, giáo dục lịch sử được dịch và xuất bản ở VN rất ít gần như là không có. Cũng không có các cuốn sách tương tự của các tác giả trong nước trừ các giáo trình dùng trong các trường đại học như "Lịch sử sử học", "Phương pháp luận sử học", "Nhập môn Sử học"...
Với mong muốn cung cấp thêm một góc nhìn học thuật đối với sử học và giáo dục lịch sử, tôi đã chọn và dịch cuốn "Lịch sử học là gì?". Khi dịch có thể chuyển thành tiếng Việt là "Sử học là gì" nhưng qua nhiều trao đổi với BTV, tôi vẫn muốn giữ nguyên. Lý do nằm ở nội dung cuốn sách. Khi các bạn đọc và suy ngẫm các bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại giữ nguyên.
Sử học và giáo dục lịch sử vốn có mối quan hệ mật thiết. Giáo dục lịch sử Nhật Bản trước 1945 có hại cho quốc dân vì các nhà Sử học đã không quan tâm tới giáo dục lịch sử và giữa sử học và giáo dục lịch sử không có mối quan hệ gắn bó với nhau. Sau 1945, các nhà sử học, giáo dục lịch sử Nhật Bản về cơ bản thống nhất rằng Sử học và giáo dục lịch sử có mối quan hệ mật thiết, tương tác hai chiều và điều kiện tiên quyết là giáo dục lịch sử phải đứng trên nền tảng là sử học.
Như vậy có thể hiểu, muốn đổi mới giáo dục lịch sử phải đổi mới sử học.
Giáo sư Odanaka Naoki khi trình bày về các vấn đề chủ yếu của sử học và giáo dục lịch sử trong cuốn sách này đã dùng lối viết và cách trích dẫn đơn giản nhất để tiếp cận bạn đọc. Cuốn sách này như lời tác giả là cuốn sách giống như nhập môn "Lịch sử học" dành cho những người sơ tâm và đông đảo đại chúng.
Bằng lối viết nhẹ nhàng tác giả lý giải những vấn đề cơ bản của "Lịch sử học" và giáo dục lịch sử như:
- Lịch sử học có ích gì cho cuộc sống của chúng ta không?
- Nếu nó có ích thì nó có ích thông qua phương thức nào?
- Nhà sử học có phải cố gắng tỏ ra "có ích" khi nghiên cứu và công bố tác phẩm của mình hay không?
- Lịch sử học có khả năng tiếp cận sự thật hay không? Nó tiếp cận sự thật bằng cơ chế như thế nào? Sự thật ấy có đáng tin cậy hay không? Để tin cậy thì nhà sử học phải làm thế nào?
- Tiểu thuyết lịch sử và tác phẩm sử học giống và khác nhau như thế nào? Nhà sử học và nhà văn ai là người nói ra ...sự thật? Họ nói bằng cách nào?
Tác giả cũng dựa trên các cuộc tranh luận trong giới sử học Nhật Bản và Thế giới để làm rõ những vấn đề đương đại của sử học và giáo dục lịch sử như:
- Lịch sử học có khả năng phát hiện ra quy luật của thế giới hay không hay sứ mệnh của nó đã kết thúc?
- Lịch sử học có phải là khoa học hay không? Nếu có thì nó là khoa học như thế nào? Nó khác gì so với Toán học, Vật lý học, Hoá học?
- Lịch sử học có mối quan hệ như thế nào đối với các ngành khoa học khác?
Tác giả cũng phân tích cuộc tranh luận về vấn đề đang gây tranh cãi giữa giới sử học Nhật Bản và là tâm điểm của dư luận các nước châu Á-vấn đề "Những người phụ nữ mua vui" trong quân đội Nhật trước 1945 để làm rõ vài trò và trách nhiệm của các nhà sử học.
Trong chương cuối cùng, tác giả không quên nói về những chuyện bếp núc của nhà sử học như:
- Nhà sử học là ai?
- Công việc của nhà sử học là gì?
- Họ nghiên cứu như thế nào?
- Làm thế nào để có tác phẩm sử học hay?
- Thông điệp của nhà sử học là gì? Làm thế nào để tạo ra nó...
Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn sinh viên khoa sử khi học các môn Lịch sử sử học, Phương pháp luận sử học, Nhập môn Sử học, Phương pháp dạy học lịch sử... và sinh viên các ngành xã hội khác.
Nó cũng sẽ là tài liệu tham khảo dành cho cả những ai quan tâm đến sử học hoặc coi sử học như là nghề nghiệp.
Những bạn đọc đại chúng cũng có thể đọc nó để biết được sử học và giáo dục lịch sử liên quan đến cuộc sống như thế nào và học cách dùng tư duy sử học để lý giải các hiện tượng của xã hội đương đại."