Có nhiều nghiên cứu khảo cổ học trong hai thập niên qua đã đưa đến nhiều nhận định rằng cao nguyên An Khê là địa điểm sớm nhất xuất hiện loài người trên lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Khảo cổ học cũng đã phát hiện ra cả một quần thể di tích Sơ kỳ đồ Đá cũ, được xác định là niên đại khởi đầu của toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước. Khảo cổ học cũng đồng thời phát hiện hàng loạt các di tích, “công xưởng” thuộc thời Hậu kỳ đồ Đá mới cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm, ở nhiều nơi thuộc địa bàn thị xã An Khê và các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
An Khê không chỉ là cửa ngõ lên rừng xuống biển, nối liền đại lục với đại dương, mà còn là trung tâm đầu mối của các tuyến đường thủy, bộ hay kết hợp cả thủy lẫn bộ từ đông sang tây và từ tây sang đông; từ bắc xuống nam và từ nam lên bắc. Do vị trí vô cùng đặc biệt này, mà người Việt trong công cuộc mở cõi về phương Nam cũng sớm tìm đến An Khê.
Cuốn sách tập trung vào chính sách di dân của triều Nguyễn tại An Khê, khu vực có vị trí chiến lược quan trọng – cửa ngõ của Tây Nguyên.
Các giai đoạn khai khẩn và di dân (1864-1888):
- Dự án 1 (1864-1867) do Nguyễn Đức Thăng lãnh đạo.
- Dự án 2 (1870-1872) do Đặng Duy Hanh lãnh đạo.
- Dự án 3 (1877-1885) do Phan Văn Điển lãnh đạo.
“Lịch sử khai khẩn Cao nguyên An Khê, 1864-1888” như một cuốn phim được mở ra với cuộc hành trình của Auguste Eugène Navelle từ cảng Quy Nhơn lên cao nguyên An Khê vào những ngày giữa tháng 12 năm 1884. Những điều tai nghe, mắt thấy của "người trong cuộc" đã giúp cho Andrew Hardy hình dung ra các bước triển khai của toàn bộ lịch sử tái khẩn hoang cao nguyên An Khê hồi cuối thế kỷ 19.
Ảnh bìa của cuốn sách là hình từ An Khê Đình nhìn về phía núi Mò O do tác giả chụp vào năm 2018.
Cuốn sách dành cho các bạn độc giả yêu thích tìm hiểu về Văn hóa, lịch sử vùng miền; độc giả địa phương muốn tìm hiểu về vùng đất quê hương.