Mật bổn: Những bí ẩn lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại
Trần Hoàng Vũ
"Họ Đinh truyện nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái". Câu văn mở đầu bài chiếu của Tống Thái Tông năm 980 được vô số sách sử đời sau sao chép, trích dẫn. Nhưng chẳng mấy người để tâm đến những chữ “truyền nối ba đời”. Sử sách Việt Nam chỉ thừa nhận nhà Đinh có hai đời vua: Đinh Tiên Hoàng và Đinh Toàn. Vậy đời vua thứ ba ở đâu ra?
Tương tự như thế, một đoạn trong "An Nam chí lược" nói rằng: “Chí Trung (tức Lê Ngọa Triều – THV) mất, con đương nhỏ, em là Minh Vĩnh tranh ngôi, Công Uẩn đuổi và giết Minh Vĩnh, tự lĩnh công việc Giao Châu". Ghi chép này ám chỉ một triều đại Thiếu đế sau khi Lê Ngọa Triều băng hà và những biến loạn ngay sau đó. Nhưng ta sẽ không thể nào tìm thấy chúng trong những tác phẩm chính sử như: "Đại Việt sử lược" hay "Đại Việt sử ký toàn thư". Triều đại ngắn ngủi đó biến đâu mất rồi?
Hai ví dụ đó cho ta thấy rằng ở đâu đó bên ngoài chính sử và đằng sau chính sử hãy còn những sự thật đã bị vùi lấp đi. Những sự thật đó gọi là "Mật bổn". Bởi vì lý do chính trị hay tư tưởng, người chép sử ở một thời kỳ nào đó đã quyết định bỏ qua nó, hoặc nếu không thể thì thay thế chúng bằng một cách diễn giải khác, một lời kể khác. Cuốn sách này là một hành trình đưa độc giả tiếp cận những sự thật ẩn giấu đó. Hành trình khó nhọc này sẽ đưa bạn đi qua hai phần lớn:
Phần thứ nhất, chúng ta sẽ không nói về lịch sử, mà để cập đến công việc của những người chép sử. Thay vì bàn luận về các sự kiện, độc giả hãy thử dạo qua thư phòng của các sử gia. Ở đó, bạn sẽ thấy hình ảnh họ đang ngồi trong một căn phòng bề bộn, xung quanh chất đầy tư liệu, cân nhắc xem nên viết những gì. Những căn phòng được sắp xếp theo trật tự thời gian. Câu chuyện do mỗi người viết sử ngồi trong những căn phòng khác nhau viết nên sẽ không giống nhau và ngày càng chất đầy thêm các chi tiết. Đó chính là cách mà lịch sử đã hình thành ở trên nền sự thật, giống như những bông hoa mọc lên từ nơi gốc rễ.
Phần thứ hai, chúng ta đi ngược lại con đường mà ta đã qua. Hành trình thứ nhất là hành trình đi từ bản kể đầu tiên đến lời kẻ hiện đại. Còn hành trình này, ta đi ngược từ hiểu biết hiện đại để truy tìm bản kẻ đầu tiên và cả những điều bị che giấu đằng sau bản kể đầu tiên.
Bất kể là hành trình thứ nhất hay hành trình thứ hai, rất có thể độc giả sẽ tiếp cận với những cách nhìn nhận lịch sử không giống với những gì mà trước đây mọi người vẫn biết, văn nghĩ. Nhưng nói khác đi hay nhìn nhận khác đi không phải là mục tiêu của cuốn sách. Mục tiêu cuối cùng là truy tìm sự thật. Cái mà tác giả đưa ra là quan điểm, mà quan điểm thì đòi hỏi phải bị thử thách, phải được thảo luận không ngừng và suy nghĩ không ngừng. Chỉ có như thế thì lịch sử mới không bao giờ chết.
(TRÍCH LỜI NÓI ĐẦU)