1. Một ngày đầu tháng 3.2021, tôi nhận được email của anh Vũ Kim Lộc, kèm theo một file đính kèm là bản thảo bài viết về bộ đĩa vàng thời Lý, được phát hiện ở thôn Cộng Vũ, xã Diên Hồng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, vào năm 1965, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31.12.2020.
Trong email gửi cho tôi, anh Vũ Kim Lộc viết: “Theo anh, tạo dáng và trang trí trên bộ đĩa vàng này không phải là hoa sen như khảo tả trong hồ sơ đề nghị xếp hạng cổ vật này là Bảo vật quốc gia. Mà đó là hoa cúc. Sơn xem bài viết của anh đính kèm ở đây, và nếu được, thì bổ túc ý kiến của Sơn vào, viết thành một bài báo hoàn chỉnh để gửi đăng”.
Tôi download bài viết của anh Lộc, đọc tới đọc lui, rồi vào Google tìm kiếm các thông tin liên quan đến “bộ đĩa vàng Cộng Vũ” này.
Rất may, đây là hiện vật nổi tiếng, nên thông tin về bộ đĩa vàng này xuất hiện khá nhiều trên internet, tại: Cổng thông tin điện tử của Cục Di sản văn hóa; Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên; website Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; các bài viết về bộ đĩa vàng này đăng trên tạp chí Khảo cổ học, tạp chí Di sản văn hóa, tạp chí Mỹ thuật, trên báo in và báo mạng, trên các diễn đàn về cổ vật Việt Nam ở trong và ngoài nước,…
Từ những thông tin và hình ảnh về bộ đĩa vàng này mà tôi đã thu thập được, tôi đã quan sát kỹ lưỡng, phân tích các luận điểm cho rằng “bộ đĩa vàng này được tạo hình hoa sen” của nhiều học giả, nhà nghiên cứu; đối chiếu với những luận điểm phản biện của anh Vũ Kim Lộc trong bài viết dang dở mà anh gửi qua email cho tôi. Sau cùng, tôi kết luận: “Vũ Kim Lộc có lý. Đó là hoa cúc, không phải hoa sen”.
Tôi dành thêm một ngày để xem xét các chứng cứ chứng minh “đó là hoa cúc” mà Vũ Kim Lộc nêu ra, bổ sung ý kiến của tôi, củng cố các luận điểm quan trọng, viết thành một bài báo hoàn chỉnh, gửi lại cho anh Vũ Kim Lộc.
Ngày 11.4.2021, báo Thanh niên đăng bài viết Bảo vật quốc gia bằng vàng hình sen hay cúc? của đồng tác giả Vũ Kim Lộc - Trần Đức Anh Sơn. Anh Lộc chụp ảnh trang báo có in bài này, gửi qua email cho tôi, với niềm hoan hỉ to lớn.
Sau đó, tôi còn đọc thêm nhiều bài viết của anh Vũ Kim Lộc đăng trên báo Thanh niên và tạp chí Xưa Nay, tiếp tục viết về chủ đề hoa cúc và mặt trời trang trí trên các di sản văn hóa - nghệ thuật của nước ta; từ thời Lý tới thời Nguyễn, trên tất cả các loại hình: trống đồng, đồ gốm, tượng thờ, bi ký, đồ sứ ký kiểu, đồ pháp lam, đồ dệt…; từ cung đình đến dân gian.
Bài viết nào, anh Vũ Kim Lộc cũng cố gắng chứng minh những hoa văn trang trí xuất hiện trên các di sản văn hóa mà anh nêu ra… đều là hoa cúc, hay có liên quan đến hoa cúc. Rồi anh đặt vấn đề về mối liên hệ giữa hoa cúc với mặt trời trong các đồ án trang trí này. Tiếp đến, anh “nâng quan điểm” cho rằng “hoa cúc chính là mặt trời”, hay “mặt trời cũng là hoa cúc”, và coi đó là hoa văn chủ đạo trong nền mỹ thuật Việt Nam từ thời văn hóa Đông Sơn cho đến thời Nguyễn.
Thú thật, khi đọc những bài viết nói trên của anh Vũ Kim Lộc, ban đầu tôi rất hào hứng, nhưng đọc nhiều thì tôi nhận thấy: “có vẻ anh Lộc đã “lậm” với chủ đề “hoa cúc - mặt trời”, nên nhìn cái gì, ở đâu, thời nào… cũng thấy hoa cúc và mặt trời”. Và, có nhiều bài viết, chứng cứ anh đưa ra, cũng như những kiến giải của anh về hoa cúc và mặt trời, theo tôi, là chưa thuyết phục lắm.
2. Đầu tháng 9.2023, tôi có chuyến công tác vào Sài Gòn. Anh Vũ Kim Lộc biết tin, gọi điện thoại nói: “Sơn ghé nhà anh, anh bàn chút việc”. Vậy là tôi ghé thăm anh.
Vừa gặp nhau, anh nói ngay: “Anh vừa hoàn thành bản thảo cuốn sách Mặt trời - Hoa cúc. Biểu tượng vương quyền Việt Nam. Anh muốn nhờ Sơn đọc, góp ý, chỉnh lý và tìm chỗ xuất bản cho anh”.
Nói rồi, anh mở laptop, cho tôi xem file bản thảo sách Mặt trời - Hoa cúc: Biểu tượng vương quyền Việt Nam của anh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy từ một ý tưởng phản biện về cái gọi là “hoa sen” của bộ đĩa vàng Cộng Vũ, anh Lộc đã phát triển thành một cuốn sách dày dặn, đầy đủ lớp lang, khảo từ thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc đến thời Nguyễn, với những chứng cứ rõ ràng, luận điểm xác đáng, kèm nhiều hình ảnh minh họa được sưu tầm công phu để làm minh chứng.
Biết là không thể từ chối yêu cầu của anh, tôi bèn nhận file bản thảo cuốn sách Mặt trời - Hoa cúc: Biểu tượng vương quyền Việt Nam, copy vào laptop của tôi, mang về Đà Nẵng và bắt tay biên tập.
Điều khiến tôi khâm phục là chỉ trong thời gian hai năm “trốn dịch COVID-19”, thông qua nhiều kênh thông tin, nhiều mối quan hệ, nhiều nguồn sách vở khác nhau, anh Lộc đã thu thập được một khối lượng tư liệu và hình ảnh đáng nể, đủ để biến cái ý tưởng “xem xét bộ đĩa vàng Cộng Vũ là hình hoa cúc thay vì hoa sen”, thành việc viết nên một bộ biên niên về chủ đề “Mặt trời - Hoa cúc” xuyên suốt các thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Vũ Kim Lộc không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, hàn lâm, nhưng xem cách anh thu thập và phân tích các nguồn tài liệu thành văn và hình ảnh; cách anh chọn lọc, xử lý thông tin từ các nguồn tài liệu này; cách anh phản biện ý kiến các học giả đi trước về vấn đề mà anh đang nghiên cứu; cách anh lý giải, đưa ra nhận định và đúc kết vấn đề liên quan đến chủ đề “Mặt trời - Hoa cúc”…, thì tôi thấy anh xứng đáng là một nhà “khảo cứu dân gian” đầy tâm huyết, trách nhiệm, luôn tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới và đưa ra những kiến giải xác đáng liên quan đến lịch sử, mỹ thuật và văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách này của anh Vũ Kim Lộc được phân thành 8 chương, mỗi chương là một “bảng tổng kết” về quá trình sử dụng hình tượng “Mặt trời - Hoa cúc” trong nghệ thuật trang trí của người Việt, từ thời Văn Lang - Âu Lạc, trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc - chúa Nguyễn - Tây Sơn, và sau cùng là vương triều Nguyễn, biến hình tượng này thành một biểu tượng của vương quyền trong suốt thời kỳ quân chủ ở nước ta.
Vũ Kim Lộc đã sử dụng nhiều thông tin, sử liệu, hình ảnh đặc sắc để soi chiếu và làm sáng tỏ quan điểm của mình, biến những cảm nhận có vẻ mơ hồ ban đầu trở thành những luận điểm nghiên cứu xác đáng, thuyết phục và có tính khoa học cao.
Tôi đã dành hai tháng để biên tập, hiệu chỉnh, bổ khuyết thông tin cho bản thảo cuốn sách Mặt trời - Hoa cúc: Biểu tượng vương quyền Việt Nam. Và, dù có nhiều điểm, nhiều đoạn, nhiều ý kiến anh Vũ Kim Lộc trình bày trong sách, tôi chưa hoàn toàn tán đồng. Nhưng tôi đánh giá cao tính hợp lý và sự táo bạo của anh khi luận giải về việc sử dụng biểu tượng “Mặt trời - Hoa cúc” trong nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua.
Những lý giải của Vũ Kim Lộc về “Hoa cúc - Mặt trời” đã mang đến cho tôi những tri thức mới, hiểu biết mới về ý nghĩa và ảnh hưởng của biểu tượng này trong mỹ thuật, trang trí và kiến trúc Việt Nam thời quân chủ.
Những lý giải ấy đã “đính chính” những ngộ nhận về các biểu trưng của nền mỹ thuật cổ Việt Nam mà các nhà nghiên cứu tiền bối đã “định hình”, đồng thời tạo cảm hứng cho các thế hệ hậu bối “soi” lại những tri thức đã sở đắc, sẵn sàng cho hành trình “tái khám phá” văn hóa và di sản văn hóa Việt Nam.
Trong số đó, có tôi.
Đà Nẵng ngày 20.11.2023
Trần Đức Anh Sơn
Mục lục:
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI DẪN: Mặt trời và hoa cúc trong văn hóa, lịch sử Việt Nam và một số nước
CHƯƠNG 1: TÊN GỌI VÀ ĐẶC ĐIỂM MỘT SỐ LOÀI HOA CÚC Ở VIỆT NAM
Cúc Bất tử
Cúc Móng rồng
Cúc Vạn thọ
Cúc Đồng tiền
Cúc Đại đóa
Cúc Hồng tú kiều
Cúc Bạch lệ mi
Cúc Nút áo
CHƯƠNG 2: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI NHÀ NƯỚC SƠ KHAI VĂN LANG - ÂU LẠC
Mặt trời - Hoa cúc trên trống đồng thời Văn Lang - Âu Lạc
Sự chuyển hóa thành Mặt trời - Hoa cúc của các đồ án trang trí trên trống đồng
CHƯƠNG 3: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI VƯƠNG TRIỀU LÝ VÀ VƯƠNG TRIỀU TRẦN
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên di sản văn hóa thời Lý - Trần
Hoa cúc trong di sản Phật giáo thời Lý - Trần
Hoa cúc trong trang trí thời Lý - Trần
Hoa cúc trong thơ văn thời Lý - Trần
CHƯƠNG 4: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI VƯƠNG TRIỀU LÊ
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên di sản văn hóa thời Lê
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc những văn vật đặc sắc thời Lê
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trong di sản Phật giáo thời Lê
“Thời trang” hoa cúc thời Lê
Những đồ án mặt trời - hoa cúc xuất sắc thời Lê
CHƯƠNG 5: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI VƯƠNG TRIỀU MẠC
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên bi ký và đồ gốm thời Mạc
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên những văn vật đặc sắc thời Mạc
CHƯƠNG 6: MẶT TRỜI - HOA CÚC THỜI CHÚA NGUYỄN
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên di sản văn hóa thời chúa Nguyễn
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên những văn vật đặc sắc thời chúa Nguyễn
CHƯƠNG 7: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI VƯƠNG TRIỀU TÂY SƠN
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên di sản văn hóa thời Tây Sơn
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên những văn vật đặc sắc thời Tây Sơn
CHƯƠNG 8: MẶT TRỜI - HOA CÚC VỚI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên di sản văn hóa thời Nguyễn
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên những văn vật đặc sắc thời Nguyễn
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên đồ pháp lam
Hình tượng Mặt trời - Hoa cúc trên trong kiến trúc thời Nguyễn
Cúc hóa trong trang trí thời Nguyễn
THAY LỜI KẾT
LỜI BẠT
LỜI CẢM ƠN
TÀI LIỆU THAM KHẢO