Mười bảy thế kỉ có mặt, người Champa đã dựng nên nền văn hóa - văn minh độc đáo. Sau khi vương quốc Champa tan rã để hòa nhập vào đất nước Việt Nam, nền văn hóa - văn minh ấy bị mai một và mất mát rất nhiều. Nó cần được lưu giữ. Cần được lan tỏa hơn nữa, là tinh hoa của nó - tinh túy của tinh túy.
Chính là MINH TRIẾT CHAM.
Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục - lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…
Dù sao, minh triết phải được tinh luyện qua lò thời gian nhuần nhị và vi tế đến không thể nhìn ra, như không khí; để mọi tầng lớp trong cộng đồng đó có thể thở, ứng xử mỗi ngày; biết là nó có đó, nhưng vẫn khó gọi tên.
Minh triết khác triết học, không dành cho giới đặc tuyển, là vậy.
Thời đại ngày nay, vật lộn cho cuộc chiến sinh tồn lẫn nhu cầu vô cùng tận về tiêu dùng và giải trí, nhân loại ít thì giờ cho suy tư hơn bao giờ. Càng ít hơn nữa khi văn hóa Internet xả thông tin tràn ngập đến tận làng palei hẻo lánh nhất, vào từng ngôi nhà, phòng làm việc… tác động toàn diện đến đời sống con người. Minh triết như là “kho sáng khôn cầm tay” để giúp con người tồn tại và sống đẹp, sống có ý nghĩa.
Minh triết có thể được vận dụng linh hoạt vào đời sống hằng ngày, đáp ứng nhiều vấn đề của thời đại. Và bởi là “kho sáng khôn cầm tay”, nên người bận việc nhất cũng có thể đọc, suy nghĩ và thực hành ở bất kì đâu, bất cứ lúc nào.
Minh triết, là để sống.
Lưu ý:
Ngữ Cham được viết theo hệ thống chuyển tự được dùng trong Từ điển Chăm Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1995 với vài điều chỉnh nhỏ.
Các thuật ngữ, ngữ hay cụm từ Cham được in nghiêng với nghĩa tiếng Việt ở ngay đó, trước hay sau - tùy. Ví dụ: thảo luận pacauh xakarai, panwơc pađit tục ngữ. Tiếng Việt có thể đặt trước hay sau tiếng Cham.
Cần thiết cũng có nhiều chỗ dùng lối phiên âm, từ hay cụm từ này được viết nghiêng cùng ngoặc đơn nhỏ, ví dụ: ‘Pô Yang’ Thần Yang.
Trong sách, dân tộc CHĂM được viết là Cham, còn Chăm hay Chàm tùy ngữ cảnh và nhất là để đảm bảo nguyên bản. Ví dụ: Trung tâm Văn hóa Chàm Phan Rang, Ban Biên soạn sách chữ Chăm.
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui Chịu chơi cả trong đau khổ.
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác: “[Nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk padauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh. Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó.
Hai đóng góp lớn nhất của Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, đó là Kiến trúc & điêu khắc và Hải sử & văn hóa biển; còn đóng góp cho thế giới: Đạo Bà-ni, tinh thần tôn giáo này có khả năng hóa giải và hòa giải hai hệ tư tưởng đối kháng tưởng không thể ngồi chung.
Một ánh nhìn của cha nửa nụ cười của mẹ và hai bàn tay diệu vợi của em giữa mênh mông màu nắng quê hương hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?
(Tháp nắng, 1996)
INRASARA - TÁC PHẨM CHÍNH
Về văn học
Tháp nắng - thơ và trường ca, 1996-2019 Hành hương em - thơ, 1999-2019 Lễ Tẩy trần tháng Tư, thơ và trường ca, 2002-2018 The Purification Festival in April, thơ song ngữ Anh - Việt, 2005-2015 Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, thơ, 2006 Ariya kluw adei xa-ai, thơ tiếng Cham, 2015 Chân dung Cát, tiểu thuyết, 2006 Hàng mã kí ức, tiểu thuyết, 2011 Những cuộc đi & cái Nhà, tùy bút, 2015-2019 Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận - phê bình, 2006 Song thoại với cái mới, tiểu luận, 2008 Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, tiểu luận, 2014 Nhập cuộc về hướng mở, tiểu luận - phê bình, 2014 Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, tiểu luận - phê bình, 2015 Văn chương tan rã, tiểu luận, 2019 Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tiểu luận - phê bình, 2019
Văn hóa Cham
Văn học Cham - khái luận, 1994-2012-2020 Văn học dân gian Cham, 1995-2006 Trường ca Cham, 1996-2006-2011 Sử thi Akayet Cham, 2009-2013 Văn hóa - xã hội Cham, tiểu luận, 1999-2003-2008-2011 Minh triết Cham, 2016-2023 Chakleng, từ mảnh ghép kí ức, 2021