Một Hướng Tiếp Cận Nghiên Cứu Lịch Sử Nam Bộ - Ngô Minh Oanh
Lịch sử văn hoá Việt Nam là lịch sử hình thành, tồn tại và kế tiếp nhau của ba nền văn hoá: Văn hoá Đông Sơn (từ 2000 đến 3000 năm cách ngày nay), Văn hoá Đại Việt (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX) và Văn hoá Việt Nam (từ 1945 đến nay). Để hình thành nên ba nền văn hoá kế tiếp nhau ấy, tiến trình văn hoá Việt Nam đã phải trải qua hai giai đoạn chuyển tiếp: Giai đoạn từ thế kỉ I – X chuyển tiếp từ văn hoá Đông Sơn – Hùng Vương sang văn hoá Đại Việt và giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến 1945 chuyển tiếp từ văn hoá Đại Việt sang văn hoá Việt Nam (từ 1945 đến nay). Như vậy, nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam với tư cách là “cái tổng thể” tức là nghiên cứu diện mạo, tính chất, đặc trưng và giá trị của mỗi nền văn hoá và quy luật chuyển biến kế tiếp nhau từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác. Cách tiếp cận nghiên cứu này khác với tiếp cận lịch sử của từng thành tố chuyên biệt, tuy nhiên, cách tiếp cận chuyên biệt trên cũng rất cần thiết, coi như một giai đoạn tích luỹ những hiểu biết cho việc nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam với tư cách là “cái tổng thể”.