PHẠM QUỲNH: LUẬN GIẢI VĂN HỌC VÀ TRIẾT HỌC
Có thể nói rằng, đúng vào ngày 1/7/2017 là tròn 100 năm Nam Phong tạp chí ra đời thì “Phạm Quỳnh: Luận giải Văn học và Triết học” giúp cho hàng triệu bạn đọc không có điều kiện tiếp cận với văn bản Nam Phong tạp chí chỉ cần qua cuốn sách này đã được biết đến những di sản văn hóa do ông chủ bút Nam Phong - học giả Phạm Quỳnh để lại.
“Phạm Quỳnh: Luận giải Văn học và Triết học” với 572 trang, gồm 27 bài viết, được chia làm 2 phần. Phần Văn học với 26 bài viết, tập trung vào 4 loại: Khảo cứu, dịch thuật, du ký và bình luận. Phần Triết học với 9 bài viết bàn rộng cả vấn đề triết học châu Âu và Phương Đông cổ đại - mà tiêu biểu là Phật giáo và Khổng giáo. Cuốn sách là quá trình chắt tuyển của PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh trong suốt 17 năm tồn tại của Nam Phong tạp chí (1917 - 1934) mà học giả Phạm Quỳnh là linh hồn của tạp chí này.
Như chia sẻ của người biên soạn thì cuốn sách này “tập hợp những bài viết mà chúng tôi cho là tốt và tiêu biểu cho ngòi bút Phạm Quỳnh, hầu hết đã in trên Nam Phong, nhằm cung cấp cho bạn độc rộng rãi một mảng tư liệu lâu này còn chìm khuất”.
Tất nhiên, với khoảng thời gian 100 năm ra đời thì ngoài giá trị tư liệu lịch sử, nhiều luận điểm đã bị thời gian vượt qua, cho nên người biên soạn cũng nói rõ: “Có thể ở một số luận điểm chúng ta còn chưa đồng tình với tác giả, có thể tính thời sự ở một số bài giờ đã qua đi, văn phong đầu thế kỷ cũng đôi khi gây khó khăn cho việc tiếp thu, song chắc chắn qua tập sách này, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn được phần nào trạng thái tư tưởng và học thuật ở buổi giao thời Á - Âu, thấy được phương diện học giả của ông chủ bút Nam Phong tạp chí”.
Phạm Quỳnh là người viết nhiều nhất trong Nam Phong tạp chí. Các bài viết của ông vững vàng, chắc chắn, không sử dụng ngôn ngữ bay bướm, tài hoa, Phạm Quỳnh sử dụng ngòi bút chín chắn, giọng văn đúng mực, có phần “già trước tuổi” nhằm thâu thái tư tưởng và tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền Quốc văn Việt Nam còn khiếm khuyết. Nếu đem so sánh với một cây bút, “một ông trùm văn hóa” cùng thời là Nguyễn Văn Vĩnh thì người chủ trương và sáng lập Đông Dương tạp chí lại sử dụng lối diễn đạt phóng túng ra quốc văn từ những áng văn chương Pháp hoa mỹ.
Trong cuộc giao lưu văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX, không ít các cuộc xung đột ý thức hệ lẫn văn hóa để đi đến sự dung hòa. Đọc “Phạm Quỳnh: Luận giải Văn học và Triết học”, bạn đọc hôm nay sẽ được tiếp cận với một hành trình của lịch sử các vấn đề Văn học và Triết học mà Phạm Quỳnh đưa vào Việt Nam.
Đọc “Phạm Quỳnh: Luận giải Văn học và Triết học” cũng là dịp để chúng ta ghi nhớ dấu mốc 100 năm ra đời Nam Phong tạp chí - một ấn phẩm quan trọng ở thời điểm bản lề hội nhập văn hóa. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu những vấn đề của đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý Trần cho đến nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề xã hội Âu Tây, và cả học thuyết của mấy nhà hiền triết cổ Hy La, chỉ đọc kỹ Nam Phong là có thể hiểu biết được”. (Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại).
.........
Luận Giải Văn Học Và Triết Học
Cuốn sách này tập hợp những bài viết được cho là tốt và tiêu biểu của ngòi bút Phạm Quỳnh, hầu hết đã in trên Tạp chí Nam Phong, nhằm cung cấp cho bạn đọc rộng rãi một mảng tư liệu lâu nay còn chìm khuất.
Có thể ở một số luận điểm chúng ta còn chưa đồng tình với tác giả, có thể tính thời sự của một số bài giờ đã qua đi, văn phong hồi đầu thế kỷ đôi khi gây khó khăn cho việc tiếp thu, song chắc chắn khi đọc cuốn sách náy, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn được phần nào trạng thái tư tưởng và học thuật ở buổi giao thời Á – Âu, thấy được phương diện học giả của ông chủ bút Nam Phong Tạp chí này.
"Nam phong tạp chí được rực rỡ như thế cũng vì được người chủ trương là một nhà văn, học vấn đã uyên bác, lại có biệt tài, có lịch duyệt. Thật thế, Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý đạo giáo cho đến chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy. Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong vì nếu ai đọc toàn bộ tạp chí này, cũng phải nhận là rất đầy đủ có thể giúp cho người học giả một phần to tát trong việc soạn một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn."
(Vũ Ngọc Phan)
Cuốn sách quý đề cập đến rất nhiều vấn đề như:
1. Chữ Nho với văn quốc ngữ
2. Thơ Ta, thơ Tây
3. Bàn về tiểu thuyết
4. Văn học nước Pháp
5. Thơ Baudelaire
6. Cái nghĩa chết
7. Triết học là gì
8. Phật giáo lược khảo
9. Khổng giáo luận
10. Đẹp là gì?
Và nhiều chủ đề muôn vẻ khác…