“Các lực lượng tham gia nổi dậy chủ yếu là quan lại cấp thấp cũ của Gia Định Thành dưới quyền Tả quân Lê Văn Duyệt, lực lượng lính cựu tù phạm có gốc Bắc Kỳ (các đội Hồi lương, Bắc thuận, An thuận, Thanh thuận và những người từ những đội đó bỏ trốn), các tù phạm, người theo đạo Công giáo, người Hoa, một bộ phận người dân tộc thiểu số. Đó là những nhóm xã hội chịu tổn thương ở những mức độ khác nhau khi Gia Định Thành bị giải thể, chính sách bảo trợ của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với họ bị thủ tiêu và những chính sách mới bất lợi cho họ được vua Minh Mạng áp đặt. Điều này lý giải vì sao càng ra xa Sài Gòn thì sự ủng hộ dành cho quân nổi dậy càng yếu. Trong suốt thời gian dài bị vây hãm, không có cuộc nổi dậy nào diễn ra ở Nam Kỳ nhằm “hưởng ứng” quân nổi dậy trong thành Bát Quái. Nó cũng lý giải những mức độ ủng hộ khác nhau giữa các nhóm đối với sự nghiệp của quân nổi dậy. Có thể thấy rằng, quân nổi dậy là một tập hợp rời rạc và lỏng lẻo của các nhóm yếu thế có cùng chung kẻ địch là vua Minh Mạng”.