Thời xưa, các con vật khác hẳn ngày nay, nhưng do con người hoặc phép thuật của các vị thần nên chúng đã bị biến đổi. Lạc Đà mang bướu vì không chịu lao động. Chuột Túi chân dài ra sau cuộc đua thú vị với chó hoang Dingo, còn Báo có đốm là nhờ người vẽ lên giúp nó ngụy trang… Rất nhiều đặc điểm của các loài vật đã được giải thích qua các câu chuyện kì thú như thế trong cuốn truyện này.
Bằng trí tưởng tượng tinh tế, kết hợp với những truyền thuyết xa xưa trải dài từ đông sang tây, Rudyard Kipling đã viết nên Sự Tích Các Loài Vật, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Ngôn ngữ tài hoa của một nhà văn được trao giải Nobel đã khiến những câu chuyện giản dị biến thành những bức tranh muôn màu về sự kì diệu của thế giới. Cuốn truyện càng hấp dẫn hơn với những minh họa ngộ nghĩnh do chính Kipling thực hiện.
Sự Tích Các Loài Vật đã được dựng thành phim hoạt hình, và vở nhạc kịch dựa trên cuốn sách này, cho đến nay vẫn liên tục được biểu diễn ở các nhà hát danh tiếng trên thế giới.
Cuốn sách gồm 12 câu chuyện thú vị, mời các bạn khám phá:
1. Sự tích cá Voi có cổ họng bé
2. Sự tích Lạc Đà mang bướu
3. Sự tích Tê Giác có bộ da sần sùi
4. Sự tích da Báo có đốm chấm
5. Sự tích cái vòi Voi
6. Sự tích Chuột Túi
7. Sự tích con Tatu
8. Sự tích chữ cái đầu tiên
9. Sự tích bảng chữ cái
10. Sự tích Cua sống dưới nước
11. Sự tích Mèo sống cô độc
12. Chuyện con Bướm giậm chân
Thông tin về tác giả Joseph Rudyard Kipling
Joseph Rudyard Kipling, sinh năm 1865 tại Mumbai, Ấn Độ, là nhà văn nổi tiếng với khả năng quan sát, trí tưởng tượng rực rỡ, độ chín muồi tư tưởng và tài năng thuật chuyện xuất sắc. Sự tích các loài vật (Just so stories) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Năm 1907, Kipling được nhận giải thưởng Nobel Văn học. Lúc đó, ông mới 42 tuổi, là người trẻ nhất trong lịch sử giải thưởng này. Ngoài ra, ông còn nhận bằng danh dự của nhiều trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Edinburgh, Paris…
Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, Rudyard Kipling tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu.
Năm 1902, ông lui về ở ẩn cho đến khi mất năm 1936.