Tiểu thuyết chương hồi là thể loại tự sự dài hơi của Trung Quốc, thịnh hành vào đời Minh, Thanh. Trước khi Phong trào Ngũ Tứ nổ ra dẫn đến sự thay đổi trong sáng tác tiểu thuyết, Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa được đánh giá là đã đạt đến một mặt bằng cao nhất của loại hình tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi lúc bấy giờ.
Ở thời điểm sáng tác tiểu thuyết này, trong bối cảnh chống lại chủ nghĩa thực dân, tác giả Hoàng Tiểu Phối với tinh thần dân tộc cao, đã đi ngược lại với quan điểm chính thống đương thời của nhà Thanh xem cuộc khởi nghĩa là phản nghịch, “giặc để tóc”, “phỉ họ Hồng”. Ông đã đánh giá, nhìn nhận lại phong trào, thể hiện sự ủng hộ khen ngợi đối với Thái Bình Thiên Quốc. Cuốn tiểu thuyết có độ tin cậy, chính xác cao khi miêu tả các nhân vật, sự kiện, diễn biến lịch sử. Có được điều này là nhờ vào việc tác giả sống cách thời điểm khởi nghĩa diễn ra chỉ khoảng nửa thế kỷ. Để viết tác phẩm này, ông đã gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người trực tiếp tham gia Thái Bình Thiên Quốc để lấy tư liệu.
Qua 54 hồi, tác giả dẫn dắt người đọc lần lượt đi theo từng bước phát triển của phong trào, qua từng trận đánh oanh liệt đẫm máu, với những con số thương vong ở mỗi trận chiến khiến độc giả phải kinh tâm động phách. Cùng với đó, mỗi nhân vật với tính cách, số phận khác nhau cũng được ông mô tả và kể lại một cách sinh động và đầy màu sắc. Đó là Hồng Tú Toàn với tinh thần dân tộc và ý chí lớn lao; Tiền Giang, Phùng Vân Sơn đầy mưu lược trí tuệ; Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành anh hùng, hào sảng; Lâm Phượng Tường, Trần Ngọc Thành dũng mãnh, thiện chiến…
Tác phẩm lần đầu ra mắt bạn đọc trong nước thông qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường - người có vốn hiểu biết sâu sắc về Hán văn, cả cổ và hiện đại.