“Theo dõi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ khi ra đời đến khi phát triển toàn diện, chúng tôi đã lần lại những giai đoạn khác nhau trong cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức của người Việt Nam trong một phần tư thứ hai của thế kỉ XX. Hai mươi năm này chắc chắn là thời kỳ rực rỡ nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất và phức tạp nhất trong lịch sử văn học của chúng tôi. Tốt hơn và trọn vẹn hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác, tiểu thuyết đã phản ánh những con đường liên tục mà đồng bào chúng tôi đã vạch ra để xem xét và tìm cách giải quyết mối xung đột giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây.”
Một lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại
(Trích Lời người dịch)
Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972 luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”. Năm 1985 nó được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”. Bản dịch bạn đang đọc đây là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.
Nguyên văn tiếng Pháp của luận án này là Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945. Tác giả để lên đầu sự “khai sinh” (naissance) và “tiến trình” (évolution) để nhân quy định bắt buộc người làm tiến sĩ phải có thêm một luận án phụ cung cấp cho người đọc Pháp và phương Tây một sự hiểu biết về lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - một quá trình đã được khơi nguồn và thúc đẩy từ chính văn chương Pháp. Điều này sẽ được ông nói rõ trong luận án khi so sánh ảnh hưởng của các nhà tiểu thuyết Pháp đến các nhà tiểu thuyết Việt Nam. Và đó là một điểm thú vị trong sự nghiên cứu của ông.
Chọn một đề tài luận án như vậy cho thấy Bùi Xuân Bào đã rất yêu văn chương dân tộc và rất tự tin. Vì ông đã phải đọc cả một khối lượng lớn các tác phẩm tiểu thuyết được sản xuất ra không chỉ trong thời gian hạn định của đề tài là 1925-1945. Vì ông phải đọc cả các báo chí thời ấy và các công trình nghiên cứu về lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại đã được viết ra trước đó. Vì ông còn phải tham khảo trong văn chương Pháp xem tác giả nào, tác phẩm nào đã có tác động đến tác giả và tác phẩm của tiểu thuyết Việt Nam ở một phần tư thứ hai nửa đầu thế kỷ XX. Và vì ông phải đưa ra một cách nhìn, một sự phân chia lịch sử văn chương của riêng mình. Luận án vì thế nói là phụ nhưng thực chất đó đã là một công trình nghiên cứu văn học công phu và nghiêm túc.
Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”. Như vậy ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”. Buổi bình minh của thế kỷ cũng là buổi bình minh của lịch sử nền văn học dân tộc nói chung và lịch sử tiểu thuyết nói riêng.
…
Nói một chút về việc dịch cuốn sách này. Tôi đã biết đến Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945 bản in lần đầu năm 1972 tại Sài Gòn khá sớm. Nội dung cuốn sách của Bùi Xuân Bào đã có phần giúp ích cho công việc nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại của tôi. Vì vậy tôi đã đồng ý nhận lời đề nghị dịch nó ra tiếng Việt của Nhà xuất bản Tri thức. Cái may trong việc dịch này là nhờ thái độ cẩn thận, khoa học của tác giả nên tất cả các đoạn trích tiếng Việt khi dịch sang tiếng Pháp ông đều có dẫn ra cụ thể. Nếu không người dịch cũng đành bó tay bỏ cuộc vì không thể nào phục nguyên được lời văn của các tác phẩm đã có độ lùi khá xa về thời gian. Trong bản dịch có cách nói “chúng tôi”, “của chúng tôi”, chứ không phải “chúng ta”, “của chúng ta”, vì như đã nói ở trên đây là bản luận án Bùi Xuân Bào viết về văn học Việt Nam cho độc giả Pháp và phương Tây đọc. Tác giả là người sử dụng tiếng Pháp điêu luyện, văn phong trình bày của ông ở sách này trong sáng, rõ ràng, tôi hy vọng là đã chuyển dịch được phần nào nội dung những sự phân tích, đánh giá mà ông đã thực hiện, để cuốn sách trở thành một tư liệu tham khảo tốt cho những ai yêu mến và quan tâm đến văn xuôi quốc ngữ Việt Nam từ khai sinh và tiến trình.
Hà Nội, đầu năm 2024
Ngân Xuyên
Thông tin về tác giả Giáo sư Bùi Xuân Bào
Giáo sư Bùi Xuân Bào sinh ngày 1/1/1916 tại Quảng Nam, mất ngày 4/ 7/1991 tại Paris. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, thân phụ là cụ Bùi Xuân Trữ, tú tài hán học (Trường Quốc Tử Giám), thân mẫu là cụ Tôn Nữ Ngọc Hòe, trưởng nữ của Thượng Thư Tôn Thất Tế. Năm 1948, ông qua Pháp để theo học cử nhân văn chương tại đại học Sorbonne, rồi trở về Huế dạy học. Ông từng đảm nhận vai trò cố vấn văn hóa tại tòa đại sứ Việt Nam tại Paris (1956), thứ trưởng Bộ Giáo dục đặc trách văn hóa miền Nam Việt Nam và trưởng khoa Đại học Văn khoa.