“Đó là vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương, và ông cũng từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn.” – Nhà văn Phạm Phú Bằng chia sẻ
Tướng Cao Văn Khánh (1916 – 1980) là một trong số ít vị tướng đặc biệt tham gia chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất mà cũng ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ và Tây Nguyên, Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975 với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng.
Lý lịch của ông cũng thật lạ lùng và phức tạp: sinh năm 1917 tại Huế, trong một gia đình quý tộc trí thức của triều Nguyễn. Anh cả Cao Văn Chiểu và anh trai Cao Văn Tường cũng là những người tài năng từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn.
Ông được giáo dục theo văn hóa Pháp, từng sang Pháp học bằng Cử nhân Luật và tham gia phong trào Hướng đạo Pháp... Về Việt Nam dạy học ở nhiều trường ở Huế và hoạt động hướng đạo...
Thời điểm đó là “thần tượng” của nhiều cô gái. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.
Vợ là bác sĩ-đại tá Ngọc Toản, là dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn thời Khải Định, nổi tiếng khi còn là “tiểu thư” nữ sinh Đồng Khánh.
Nhiều người biết đến đám cưới của hai người vì sự độc nhất vô nhị khi được tổ chức ngay trong hầm De Castries ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ít ai biết về cuộc đời của ông và những điều ông đã trải qua trong 2 cuộc chiến ác liệt từ 1945 – 1975. Vì vậy mà có thể nói đây là một cuốn hồi ký đặc biệt.
Tác giả Cao Bảo Vân cũng chính là con gái của tướng Cao Văn Khánh, nguyên là Phó Giám đốc Viện Pasteur TP.HCM, đã chia sẻ: “Nếu còn sống, không chắc ba tôi sẽ viết hồi ký. Ông sống kín đáo. Và nếu viết, ông sẽ chỉ viết hoàn toàn sự thật, những sự thật trần trụi”.
Bà bị thôi thúc tìm kiếm trong ký ức những manh mối về cuộc đời của ba mình, mà cũng chính là một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam. Mất chục năm ròng rã vừa đi làm vừa tranh thủ tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những người đã từng tham gia chiến đấu với ba mình, bà mới hoàn thành xong cuốn sách này và ra mắt độc giả sau 37 năm ngày mất của ông. Nhiều người đã giúp đỡ bà hoàn thành cuốn sách cũng đã ra đi mà không kịp được nhìn thấy nó.
Điều mà bà nhận thấy sau khi hoàn thành cuốn sách này là: “Từ nhỏ, tôi thường tự hào ba mình luôn chiến thắng trong mọi trận đánh. Giờ thì tôi đã biết một chiến thắng là đúc kết từ kinh nghiệm của biết bao nhiêu thất bại.”
Nhưng điều làm nên một vị tướng Cao Văn Khánh tài ba không phải là “chiến thắng bằng mọi giá”, mà trong sổ ghi chép của ông, những quyết định chiến thuật luôn phải “làm sao chiến thắng với thương vong ít nhất, và đó là một trách nhiệm rất lớn”.
Sách dày 800 trang sách khổ lớn, gồm 40 chương với một khối lượng tư liệu khá lớn, là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam từ năm 1945 -1975, không những về cuộc chiến mà còn về lý tưởng sống của những người chân chính phần lớn là vô danh đã cống hiến cả cuộc đời họ.